Bên cạnh đó, đô đốc Mike Mullen đã viết một lá thư ủng hộ hiệp ước. Ông Mullen lặp lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông và Lầu Năm Góc đối với Hiệp ước START mới. Ông viết: “Hiệp ước này nhận được sự ủng hộ đầy đủ của quân đội. Tất cả chúng tôi đều chấp nhận thông qua”.
Ngoài ra, phản đối sự chỉ trích của phe Cộng hòa, đô đốc Mullen viết rằng START sẽ không phá hỏng kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo ông, nó củng cố mối quan hệ với Nga và không làm tổn hại vũ khí hạt nhân đánh chặn của Mỹ.
Ông Mullen khẳng định hiệp ước này cho phép Mỹ tiếp tục có vũ khí hạt nhân đánh chặn mạnh mẽ và linh hoạt. Ông quả quyết: “Hiệp ước cho thấy sự cam kết của chúng ta nhằm giảm nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân trên khắp thế giới do tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Thượng nghị sĩ John Kerry (phải): “Tôi tin rằng chúng tôi có thể
thông qua Hiệp ước START nếu có cơ hội bỏ phiếu”. Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, các thượng nghị sĩ đã chuẩn bị bỏ phiếu thông qua vào ngày 21 hoặc 22-12 (giờ Washington), chấm dứt sự tranh luận về hiệp ước này, mở đường cho cuộc bỏ phiếu thông qua sau đó trong tuần này.
Trong khi đó, Nhà Trắng và các đồng minh thuộc Đảng Dân chủ tự tin rằng họ sẽ tập hợp được 60 phiếu bầu để kết thúc sự tranh luận và giành đa số 2/3 cần thiết, tức 67/100 thượng nghị sĩ, để hiệp ước được thông qua. Robert Gibbs, người phát ngôn Nhà Trắng, nhấn mạnh: “Nhà Trắng tin rằng thượng viện sẽ thông qua Hiệp ước START mới”.
Quốc hội Nga dự định sẽ thông qua hiệp ước trên chỉ sau khi thượng viện Mỹ thông qua.
L.San