Nhà ga Nội Bài còn 26 tỷ đồng chưa quyết toán

Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà ga T1 - Cấn Vũ Lân lý giải quyết toán chậm là do vừa thiết kế vừa thi công nên trong quá trình lập tổng dự toán, đơn vị tổng thầu thiết kế là Công ty Tư vấn xây dựng dân dụng VN (VNCC) chưa tiên lượng đầy đủ chi tiết khối lượng tại các hạng mục như sân đỗ ôtô phía nam, đường quanh ga, vách kính trong dàn không gian. Trong khi đó, chủ đầu tư yêu cầu các bên thi công triển khai đầy đủ khối lượng để đảm bảo khai thác, nên việc giải ngân và quyết toán gặp nhiều vướng mắc.

Sau 7 năm nhà ga vận hành, khâu thanh toán cho các bên vẫn chưa xong. Đây cũng là lý do khiến Ban Quản lý dự án Nhà ga T1 vẫn còn tồn tại cho đến thời điểm này.


Sảnh ở nhà ga T1 - Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hà.

Một số hạng mục đang được tiến hành hoàn tất thủ tục quyết toán như công trình dịch vụ nhà hàng, nhà điều hành sân đỗ ôtô, khu xử lý nước thải phía nam để làm cơ sở thanh toán cho các nhà thầu.

Hiện tại, công tác quyết toán toàn bộ nhà ga đã hoàn thành 98%. Phần thiết bị, các hạng mục xây lắp cơ bản đã xong, chỉ còn một số hạng mục xây lắp liên quan đến kiến thiết cơ bản và chi phí khác . "Tổng dự toán là 76 triệu USD nhưng chúng tôi chỉ sử dụng khoảng 72 triệu, trong đó có 26,5 triệu USD chi phí mua sắm thiết bị) và 547 tỷ đồng chi phí xây dựng", ông Lân cho hay.

Số tiền còn chưa thanh toán cho các nhà thầu chỉ còn khoảng 26 tỷ đồng, trong đó Licogi - nhà thầu chính còn 16 tỷ, Tổng công ty Thành An còn hơn 3 tỷ, Cienco1 còn 4 tỷ... Theo ông Lân, việc quyết toán chậm là do hồ sơ hoàn công và áp đơn giá chưa phù hợp.

Sau khi VnExpress.net đưa tin về tình trạng dột tại nhà ga Sân bay Quốc tế Nội Bài, ngày 11/9, Bộ Xây dựng đã cử đoàn kiểm tra tới hiện trường. Trao đổi với phóng viên hôm qua, 15/9, Cục trưởng Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - Lê Quang Hùng cho hay, đoàn kiểm tra chưa thu thập đủ thông tin để kết luận về hư hỏng tại nhà ga T1. Cơ quan này đang tập hợp dữ liệu để báo cáo với lãnh đạo Bộ Xây dựng và chủ đầu tư dự án sau đó mới có kết luận cụ thể.

Theo ông Hùng, việc dột mái tại nhà ga T1 không phải là vấn đề lớn về mặt kỹ thuật. Mặt khác, trong ngành xây dựng thì việc công trình bị dột xảy ra khá nhiều. Dù vậy ông cũng thừa nhận với công trình lớn của quốc gia, thì việc bị dột cũng đáng lưu tâm.

Năm 1985, ngành hàng không có chủ trương xây dựng một nhà ga có công suất 2 triệu khách một năm dưới tên gọi nhà ga G5. Sau khi lập đề án, thiết kế thi công, 1.200 cọc tròn đã được đóng xuống và rồi không thể tiếp tục triển khai vì dự án không tìm được nguồn vốn.

Chính phủ liền giao Bộ Xây dựng phối hợp với ngành hàng không thiết kế và xây dựng T1 với phương châm sử dụng nguồn lực trong nước vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa tiết kiệm đầu tư. Cuối cùng, dự án nhà ga T1 được khởi công vào tháng 2/11/1995 ngay trên địa điểm dự kiến xây G5, tận dụng luôn phần móng củng với 1.200 chiếc cọc đã được đóng xuống từ nhiều năm trước.

Sau 6 năm thi công, tháng 10/2001, nhà ga T1 chính thức được đưa vào sử dụng. Tổng diện tích nhà ga là 91.000 m2 trong đó có 24.000 m2 tầng hầm. Đường cất hạ cánh có năng lực thông qua 10-15 triệu khách mỗi năm, đường lăn 7-10 triệu khách mỗi năm nhưng sân đỗ máy bay chỉ đáp ứng được 1,5 triệu khách và nhà ga chỉ đủ chỗ cho 1 triệu khách thông qua một năm.

Chủ đầu tư dự án T1 là Cụm cảng hàng không miền Bắc. Cơ quan lập dự án là Công ty Khảo sát Thiết kế hàng không (Cục Hàng không), Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước là cơ quan thẩm định dự án và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Tổng dự toán được duyệt là 102 triệu USD trong đó giai đoạn 1 tương ứng công suất 4 triệu khách một năm là 76 triệu USD, giai đoạn 2 (để đạt công suất 6 triệu khách một năm) sẽ bổ sung 25,79 triệu USD.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
28625
Số người truy cập:
8740921