Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ gần như không thay đổi vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư tiếp tục cảm thấy bấp bênh về một loạt vấn đề trong và ngoài nước. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ được mua nhiều nên tăng giá, trong khi nhóm tài chính và tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất.
Chỉ số Dow Jones tăng nhẹ khi chốt phiên. S&P thì giằng co giữa giảm và tăng trong suốt phiên giao dịch, dù mở cửa với mức tăng khá tốt nhờ hy vọng về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc trước đó nói Bắc Kinh và Washington đang giữ liên lạc chặt chẽ về vấn đề thương mại.
"Thị trường đang có nhiều mối lo. Nhà đầu tư hào hứng vào buổi sáng, nhưng nỗi sợ của họ đã nhanh chóng quay trở lại", ông Omar Aguilar, Giám đốc đầu tư (CFO) của Charles Schwab Investment Management, nhận định.
Ông Aguilar đề cập đến một loạt vấn đề đang phủ bóng lên tâm trí của giới đầu tư chứng khoán Mỹ, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, hiện tượng "đảo ngược" đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, bấp bênh xung quanh cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, thế bế tắc về Brexit, và mâu thuẫn về ngân sách giữa Itay với Liên minh châu Âu (EU).
"Thị trường đang cần một chất xúc tác để khẳng định một xu hướng rõ ràng hơn. Đó có thể là dữ liệu kinh tế tốt, hoặc những tín hiệu rõ ràng hơn về dự định của FED trong năm tới, hay sự chắc chắn hơn trong đàm phán Mỹ-Trung. Tôi không cho rằng những điều này có thể sớm xảy ra", ông Aguilar phát biểu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,29%, đạt 24.597,38 điểm. S&P mất 0,02%, còn 2.650,54 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,39%, còn 7.070,33 điểm.
Làm gia tăng nỗi sợ của giới đầu tư chứng khoán Mỹ phiên này là kết quả một cuộc khảo sát của Reuters dự báo đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ đảo ngược trong năm 2019, có thể trong vòng 6 tháng nữa, sớm hơn nhiều so với dự báo đưa ra cách đây 3 tháng. Khi đường cong lợi suất đảo ngược, suy thoái kinh tế có thể xảy ra sớm nhất là 1 năm sau đó.
Các nhóm cổ phiếu phòng thủ tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành của S&P phiên này. Trong đó, nhóm dịch vụ tiện ích tăng 0,9%, bất động sản tăng 0,6%, và tiêu dùng thiết yếu tăng 0,7%.
Nhóm tài chính giảm 0,6% do nhóm ngân hàng trượt 1%. Nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 0,44%. Nhóm nguyên vật liệu cơ bản giảm 1,1%.
Cổ phiếu hãng thời trang Under Armour sụt 5,2% sau khi hãng công bố dự báo doanh thu và lợi nhuận 2019 thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall. Cổ phiếu tập đoàn công nghiệp General Electric (GE) tăng 7,3% sau khi được ngân hàng JPMorgan Chase nâng đánh giá.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,7 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,88 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 7,55 tỷ cổ phiếu phiên này, so với mức bình quân 8,02 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên trong 20 ngày giao dịch gần nhất.