Nhà đầu tư lướt sóng bằng 'cửa' bán khống

Bản chất của hoạt động bán khống là việc nhà đầu tư vay cổ phiếu từ một nguồn để bán. Sau một thời gian nhất định nhà đầu tư sẽ lại mua lại đúng lượng cổ phiếu đã vay để trả nợ.

Thị trường chứng khoán niêm yết ở VN chưa cung cấp cho nhà đầu tư dịch vụ bán khống. Hoạt động này thường chỉ diễn ra trên thị trường OTC, vì việc sang tên cổ phiếu khá dễ dàng, và cũng chỉ gói gọn trong từng nhóm những nhà đầu tư đã quen biết và tin tưởng lẫn nhau.

Bán khống kiểu "Made in Vietnam" phần lớn dựa trên sự quen biết và tin tưởng giữa các nhà đâu tư với nhau. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Thông thường nhà đầu tư có nhu cầu bán khống sẽ "mượn" cổ phiếu của một nhà đầu tư khác trong một khoảng thời gian nhất định với mức lãi suất thỏa thuận giữa hai bên. Cổ phiếu sau đó sẽ được sang tên để bên mượn có thể thực hiện hoạt động bán khống. Đối tượng cho vay, thường là những nhà đầu tư có ý định nắm giữ cổ phiếu dài hạn mà không chú ý nhiều đến biến động giá ngắn hạn, cũng cảm thấy hài lòng nhờ thu lời qua lãi suất cho vay chứng khoán.

Trong trường hợp thị trường đi xuống, giá cổ phiếu tại thời điểm bán ra cao hơn giá tại thời điểm mua vào thì nhà đầu tư đi vay sẽ hưởng lợi.

Dự đoán trước được xu hướng giảm của thị trường, chị Ánh Nguyệt, một nhà đầu tư cho hay chị thường tận dụng các mối quan hệ để tìm cửa "xoay" chứng khoán OTC để bán khống. Trên thị trường OTC hiện nay, có nhiều nhà đầu tư lỗ nặng, khoảng 30% trở lên, vì tiếc của mà không còn ý định cắt lỗ nữa. Những nhà đầu tư này sẽ nắm cổ phiếu "chung thân" để chuyển sang đầu tư dài hạn. Đây là đối tượng dễ khai thác để "mượn" cổ phiếu nhất.

Theo lời nhà đầu tư trên, chị đã từng mượn được 10.000 cổ phiếu Ngân hàng An Bình của một người bạn khi giá cổ phiếu này là 28.000 đồng một cổ phiếu và trả lại khi giá một cổ phiếu chỉ còn 20.000 đồng.

Theo anh Hồng Phúc, nhân viên phòng kinh doanh công ty chứng khoán Rồng Việt, cho hay với việc thị trường niêm yết sụt giảm liên tiếp, những cổ phiếu vừa thanh khoản cao lại vừa mất điểm nhanh nên rất được các nhà đầu tư ưa thích. Những cổ phiếu được chọn thường là của các ngân hàng như Vietcombank, An Bình, EximBank, MBank.

Không chỉ lướt trên sàn OTC, cổ phiếu niêm yết cũng có thể lướt được theo cách này. Tuy nhiên mọi chuyện sẽ phức tạp hơn vì nhà đầu tư muốn mượn cổ phiếu không thể trực tiếp đặt lệnh mà vẫn phải thông qua nhà đầu tư có cổ phiếu. Sau khi bán cổ phiếu hai bên còn phải tiếp tục chuyển tiền qua lại, nên rất bất tiện.

Việc bán khống tiềm ẩn không ít rủi ro. Đó là vì tính thanh khoản của cả thị trường niêm yết và OTC đang thấp, sau khi đã mượn được cổ phiếu, việc tìm người mua cũng không hề đơn giản. Hơn nữa cũng phải kể đến khả năng cổ phiếu bất ngờ lên giá khiến nhà đầu tư sẽ vừa phải trả lãi vay chứng khoán vừa phải chịu lỗ do chênh lệch "bán thấp mua cao".

Ngoài ra, việc mượn cổ phiếu rồi "xù" luôn không phải là không có. Người cho mượn cổ phiếu rất khó bảo vệ quyền lợi của mình, do mọi hoạt động sang tên cổ phiếu OTC đều được thực hiện một cách hợp pháp. Hơn nữa cũng chưa hề có chế tài, quy định nào về việc thực hiện giao dịch bán khống như trên, quyền lợi của nhà đầu tư chưa được bảo vệ. Ràng buộc duy nhất giữa hai bên chỉ là sự tin tưởng lẫn nhau.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam rõ ràng đang có nhu cầu bán khống. Nếu nghiệp vụ này được áp dụng tại thị trường Việt Nam thì sẽ có thể giúp tăng tính thanh khoản, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm một phương tiện giao dịch nữa cho các nhà đầu tư.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
13754
Số người truy cập:
9259088