Mỗi thứ 2, Nhật Duy, giáo viên môn Sử của một trường THPT ở Hải Dương đều mặc một bộ áo dài để đến trường.
Nam giáo viên 23 tuổi nói dù nhiều lần bị mọi người nhận xét là "như đang đi diễn tuồng", "giống liền anh, liền chị quan họ" anh đều đáp trả bằng cách im lặng hoặc dừng lại giải thích cho họ hiểu về ý nghĩa của trang phục. Hơn nửa năm qua, Nhật Duy đã mua hàng chục chiếc áo dài để thay đổi hàng ngày.
"Tôi dạy Lịch sử nên mỗi lần mặc áo dài đi dạy thấy rất tự hào và cũng muốn truyền cảm hứng học cho các em học sinh", anh nói.
Dù đã không còn ngại ngùng khi mặc áo dài trước đám đông nhưng mỗi lần anh đều cẩn thận chọn kiểu phù hợp với từng hoàn cảnh. Ví dụ, khi đi dạy anh mặc áo dài truyền thống hoặc áo tấc (dạng ngũ thân tay chẽn), là lễ phục trang trọng thời nhà Nguyễn để thêm phần trang trọng, lịch sự. Khi dạo phố, ăn tiệc hay tham quan khu di tích lịch sử, anh thường chọn những loại cách tân không họa tiết hay áo Nhật Bình, áo giao lĩnh vạt chéo thời Trần.
"Việc mặc áo dài khiến những chuyến đi của tôi thêm phần ý nghĩa vì đã lan tỏa được bản sắc dân tộc", Duy chia sẻ.
Tuần ba ngày mặc áo dài đi làm, MC truyền hình Thảo Hiền, 24 tuổi, nói thấy mình trở nên tự tin và đẹp hơn. Cô gái Hà Nội cho biết luôn ưu tiên chọn trang phục áo dài để ghi hình bất cứ ở nơi đâu còn khi tới cơ quan cô chọn mặc các mẫu cách tân có thêu hoa nhỏ làm điểm nhấn.
"Những ngày không biết mặc gì tôi cũng chọn áo dài, gần đây tôi còn lấy bộ áo dài từng mặc trong đám hỏi của mình mặc đi dạo phố cùng chồng", Hiền nói.
Hiền chia sẻ trước đây cũng chỉ mặc áo dài vào dịp lễ, Tết nhưng hơn hai năm nay, có nhiều kiểu áo dài dễ mặc, không gò bò, chiết eo như trước, các tông màu áo cũng được đa dạng hơn như màu pastel cam, xanh bạc hà, hồng... khiến cô thấy mình trẻ trung, năng động hơn khi mặc.
Gần 10 năm kinh doanh áo dài, anh Lê Minh, quản lý thương hiệu Tủ Nhà Mây cho biết áo dài cách tân bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ năm 2016 nhưng chit thực sự "bùng nổ" khoảng hai năm trở lại đây. Tính riêng năm 2023, nhu cầu áo dài của người Việt gấp hai, ba lần so với năm trước. Những mẫu áo dài cách tân được mua nhiều nhất là mẫu lấy cảm hứng từ áo dài Việt Nam thời kỳ hiện đại (áo dài Lê Phổ) với dáng suông, rộng, họa tiết nhỏ, phối màu theo mùa hoa như "Yên Minh Tết", "Đỗ Quyên", "Sen Thu".
"Điều này khiến cho người dùng có cảm giác được mặc những sản phẩm mang tính cá nhân, đặc biệt hơn", anh Minh nói.
Hơn một năm trở lại đây, nam giới Việt không còn ngần ngại khi mặc áo dài, thậm chí nhu cầu tăng mạnh hơn áo dài nữ. Anh Lê Công Tuấn, chủ một thương hiệu áo dài nam ở TP HCM cho biết bắt đầu bán áo dài nam từ năm 2021, khách hàng 19-27 tuổi chiếm hơn 70%. Lượng khách trong năm 2023 tăng gấp 6-7 lần so với năm trước, trung bình mỗi tháng anh bán khoảng 2.000 chiếc, tháng cận Tết có thể hơn.
Anh Tuấn cho biết còn sản xuất thêm áo dài big size (ngoại cỡ) dành cho những người có trọng lượng lên tới 120 kg. "Những loại áo dài ngũ thân rất được các bạn nam ưa chuộng", anh Tuấn nói.
Ngoài mua mặc, để có thể trải nghiệm được nhiều mẫu mã, người trẻ cũng tìm đến các tiệm cho thuê áo dài. Ghi nhận của VnExpress tại một số cửa hàng cho thuê áo dài ở quận Ba Đình, quận Cầu Giấy, quận Đống Đa (Hà Nội) ngày 19/1/2024 khách hàng chen chúc thử đồ, thậm chí tranh giành nhau các mẫu mới khiến các cửa hàng này quá tải, đơn thuê online cũng tạm ngừng nhận.
Chị Trịnh Thùy, chủ một cửa hàng cho thuê ở quận Ba Đình cho biết từ đầu năm nay, lượng thuê áo dài tăng gấp ba, bốn lần so với năm ngoái. Mỗi ngày cửa hàng cho thuê khoảng 400-500 mẫu, giá 150.000 đồng – 300.000 đồng một ngày. Từ đầu tháng 10, khách thuê tăng vọt khoảng 1.000 đơn mỗi ngày.
"Chúng tôi liên tục cập nhật những mẫu áo dài mới từ các thương hiệu nổi tiếng để khách kịp bắt trend hay có cơ hội trải nghiệm, vì giá mua có thể đắt gấp 10 lần giá thuê", chị Thùy nói.
Bất chấp thời tiết những ngày cuối tháng 1 lạnh dưới 10 độ C, Hoàng Dung, 26 tuổi, ở Hà Nội vẫn đem theo áo dài để chụp ảnh kỷ niệm ở cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Hơn một năm nay, cô duy trì thói quen mang áo dài đi khắp nơi, một phần muốn lan tỏa nét đẹp của trang phục truyền thống, phần vì "cuồng" mặc áo dài.
"Dù nhiều người nói tôi vì thời trang bất chấp thời tiết nhưng tôi nghĩ chỉ cần mình mặc nó thấy ý nghĩa là được, lạnh thì tôi sẽ khoác thêm áo bên ngoài", Dung nói.
Nói về xu hướng người trẻ Việt ngày càng chuộng mặc áo dài trong cuộc sống thường ngày, tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho rằng đây là dấu hiệu tích cực. Áo dài giờ không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là thời trang. Những mẫu áo cách tân mặc được trong nhiều hoàn cảnh như cưới hỏi, công sở, hội họp bạn bè, dạo phố cùng với giá thành phù hợp với học sinh, sinh viên là một trong những lý do khiến nhiều người chọn mặc.
"Nếu áo dài truyền thống chiết eo, khó di chuyển, chỉ phù hợp với người dáng chuẩn thì với mẫu cách tân có thể che đi khuyết điểm cơ thể, vừa giữ nét truyền thống vừa hiện đại", chuyên gia Nga nói.
Tuy nhiên chuyên gia cũng cảnh báo khi mặc áo dài đến đền, chùa hay những nơi di tích lịch sử, cần chọn những kiểu phù hợp, tránh mặc hở hang. "Cách tân nhưng không có nghĩa là lạm dụng, các bạn trẻ nên thể hiện cái tôi và sự phá cách ở nơi công cộng chứ không phải nơi tâm linh", bà Nga nói.
Tự nhận mình là tín đồ của áo dài trong một năm trở lại đây nhưng Minh Hiếu, 22 tuổi, ở Hà Nội nói áo dài dù cách tân, hiện đại nhưng cũng không phù hợp để mặc thường xuyên, mặc mọi hoàn cảnh. Với Hiếu, áo dài mang tính chất trang trọng chỉ nên mặc đến những nơi trang nghiêm hoặc vào dịp đặc biệt. Ngoài ra, áo dài nam cũng hạn chế về mẫu mã, không cách điệu thành váy hay mang tính dụng cao như nữ nên khó mặc hàng ngày.
"Tôi đã dành hẳn một chuyến đi thăm cố đô Huế chỉ để tìm hiểu lại lịch sử và nét độc đáo của áo dài trong thời nhà Nguyễn chứ không phải để "sống ảo", Hiếu nói. Anh không thích việc mọi người đổ xô mặc áo dài chụp ảnh bất chấp ở mọi nơi mà không hiểu về ý nghĩa của nó.
Thanh Nga