Người Việt chi hơn 8.500 tỷ đồng cho trà sữa mỗi năm

 Báo cáo về thị trường trà sữa và các sản phẩm tương tự tại khu vực Đông Nam Á vừa được Momentum Works  qlub công bố.

Theo đó, Indonesia, với dân số lớn nhất, là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng đầu với quy mô đạt 1,6 tỷ USD. Thái Lan đứng thứ hai với doanh số trong năm gần nhất hơn 740 triệu USD. Việt Nam là thị trường đứng thứ ba với quy mô 362 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng.

Singapore và Malaysia có quy mô tương đồng, trong khoảng 330-340 triệu USD, còn Philippines đứng vị trí thứ 6 với doanh số của ngành hàng trà sữa đạt 280 triệu USD.

Theo báo cáo này, Singapore có quy mô dân số thấp nhất nhưng lại là thị trường có sức mua cao nhất, với mức giá trung bình của sản phẩm trà sữa cao gấp đôi các quốc gia khác trong khu vực. Điều này giúp Singapore trở thành điểm đến hàng đầu cho các thương hiệu cao cấp. Hiện quốc gia này có hơn 60 thương hiệu trà sữa đang hoạt động với các mức giá và định vị khác nhau.

Triệu USD Quy mô doanh số các thị trường Đông Nam Á với sản phẩm trà sữa1 6001 600749749362362342342330330280280IndonesiaThái LanViệt NamSingaporeMalaysiaPhilippine0500100015002000VnExpress | Momentum Works & qlub

Các thương hiệu trà sữa của Đài Loan và nội địa từ lâu đã thống trị thị trường trà sữa trân châu Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo Momentum Works và qlub, điều này có thể thay đổi khi một loạt các thương hiệu từ thị trường Trung Quốc đại lục bắt đầu tiến vào.

Thị trường trà sữa trân châu tại Trung Quốc ước tính có doanh thu hàng năm lên tới 20 tỷ USD, nhưng thị trường này đang bão hòa và sức nóng cạnh tranh tăng mạnh. Điều này khiến các thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc như Mixue, Chagee và Heytea mạo hiểm tiến vào Đông Nam Á.

Mỗi thương hiệu này chọn cách tiếp cận thị trường khác nhau. Trong khi Heytea chọn Singapore với cách định vị trong phân khúc cao cấp thì một số thương hiệu khác của Trung Quốc, như Mixue, chọn Việt Nam với tốc độ tăng trưởng cao của phân khúc bình dân. Và điều này có thể khiến những thương hiệu nội địa gặp áp lực.

"Nhiều bạn trẻ ở Đông Nam Á mong muốn một ngày nào đó sẽ mở một quán trà sữa", Sik Hoe Yong, Giám đốc điều hành của qlub nhận xét. "Nhưng điều này không hẳn là một ý tưởng hay".

Về mặt lý thuyết, trà sữa là một ngành hàng có mức sinh lời rất tốt, với biên lợi nhuận gộp có thể đạt tới 60-70%.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ thực tế các thị trường, không nhiều thương hiệu nội địa có thể trụ lại. Dù có tỷ suất lợi nhuận cao, trà sữa là một ngành hàng ít có sự khác biệt vì các sản phẩm dễ sao chép, trong khi thách thức không nhỏ từ chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, trà sữa vẫn là một trong những sản phẩm được giới trẻ ưa thích nhất, nhưng cuộc chiến để tồn tại không kém gay gắt. Giữa năm 2019, Ten Ren, thương hiệu trà sữa Đài Loan và được The Coffee House mua nhượng quyền để kinh doanh từ năm 2017, thông báo dừng hoạt động. Chuỗi này ở giai đoạn phát triển nhất có 23 cửa hàng tại TP HCM và Đồng Nai nhưng phải dừng hoạt động vì kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Cùng thời điểm đó, một số cửa hàng trà sữa nhỏ, cửa hàng nhượng quyền cũng bắt đầu rút lui và thị trường ít ghi nhận sự góp mặt của những tên tuổi mới.

"Thị trường trà sữa bị phân mảnh và không giống như các công ty internet, có đủ chỗ cho những người chơi lớn và nhỏ hơn cùng tồn tại và phát triển. Dù vậy, sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc giỏi về xây dựng thương hiệu, sản phẩm, chuỗi cung ứng và quản lý chi phí có thể đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các công ty địa phương", Jianggan Li, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Momentum Works nói thêm.

Minh Sơn


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4340
Số người truy cập:
8613729