Một nhóm chuyên viên của Funai, cơ quan quản lý người bản địa thuộc chính quyền Brazil đã quay được rõ cảnh người sống sót cuối cùng của một bộ lạc chặt cây trong rừng Amazon và công bố hôm 18/7, theo Guardian.
"Ông ấy rất giỏi săn bắn, trồng trọt các loại đu đủ, ngô", Altair Algayer, điều phối viên của Funai ở bang Rondônia, người cùng có mặt với nhóm quay phim, nói. "Ông ấy cũng rất khỏe, thể lực sung mãn, cơ bắp săn chắc".
Người đàn ông trong video có tên "người ở lỗ", đã sống một mình trong rừng ít nhất 22 năm. Ông săn lợn rừng, chim, khỉ bằng cung tên và đặt bẫy con mồi bằng cách đào hố cắm chông. Bộ lạc của ông có đặc điểm đào hố quanh nhà và mắc võng nằm.
Thợ khai thác gỗ, nông dân và những kẻ cướp đất đã sát hại và trục xuất người bản địa trong khu vực này những năm 1970 và 1980. Người đàn ông trên được cho là người cuối cùng còn sống của một nhóm gồm 6 người thiệt mạng trong một vụ tấn công của nông dân năm 1995. Chính quyền định vị được nơi ở của ông lần đầu năm 1996 và từ đó, Funai có nhiệm vụ theo dõi ông. Họ từng quay được thoáng qua gương mặt ông năm 1998 và đưa vào bộ phim tài liệu Corumbiara.
Từ năm 1990, Funai áp dụng chính sách tránh tiếp xúc với các nhóm biệt lập và bảo vệ khu vực sống của họ. Khu vực bảo tồn bản địa Tanaru mà Funai có nhiệm vụ bảo vệ thành lập năm 2015. Họ đã để lại rìu, dao rựa và hạt giống các loại cây phổ biến được người dân bản địa trồng trọt cho "người ở lỗ", nhưng rõ ràng ông ấy không muốn tiếp xúc với xã hội hiện đại.
"Tôi hiểu tại sao ông ấy làm thế", Algayer nói. "Đó là dấu hiệu cho thấy ông ấy kháng cự, và chối bỏ, thù ghét xã hội hiện đại vì những việc đã xảy ra".
Finoa Watson, giám đốc Survival International, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm bảo vệ người bản xứ, đã ca ngợi video trên là "phi thường" khi ghi hình được người đàn ông giữa hơn 8.000 hecta rừng bảo hộ vây quanh là các đồn điền.
"Funai có nhiệm vụ chứng minh ông ấy vẫn mạnh khỏe và sống tốt", bà nói. "Điều quan trọng là Funai đã giúp ông ấy giữ lại lãnh thổ của mình".
Những người sống sót của các bộ lạc khác trong khu vực từng kể lại cảnh nông dân bị bắn giết khi họ bị đuổi khỏi làng. Năm 2005, Watson từng tham gia một nhiệm vụ của Funai và đã nhìn thấy các hố người đàn ông trên đào quanh lãnh thổ, nhà cửa và khu vực trồng trọt của ông, dù không tận mắt nhìn thấy ông.
"Thực tế ông ấy vẫn sống sót cho chúng tôi hy vọng. Ông ấy là biểu tượng cuối cùng của một bộ lạc", bà nói.
Các chuyên gia của Funai tin rằng có khoảng 113 bộ lạc sống biệt lập trong rừng Amazon thuộc Brazil, trong đó họ đã xác định được 27 nhóm. Ngoài ra, có khoảng 15 bộ lạc nữa không thể tiếp xúc ở Peru và nhiều bộ lạc khác tại Bolivia, Ecuador và Colombia. Họ săn bắn bằng cung tên, nói ngôn ngữ riêng.
Một số bộ lạc sống kiểu săn bắn du mục và đánh bắt cá như bộ lạc Awá tại bang Maranhão, phía đông rừng Amazon. Cũng giống như "người ở lỗ", bộ lạc này sống trong những khu bảo tồn nhỏ, chủ yếu là các cánh rừng bao quanh vùng đất đã bị khai thác. Ngoài ra, còn một số nhóm nữa ở rìa phía tây Amazon, sống bằng trồng trọt chuối, ngô, khoai và các loại hoa màu khác.
"Trớ trêu là chúng ta đang tìm thấy nhiều người bản địa sống biệt lập hơn chúng ta tưởng, trong hoàn cảnh đáng lo ngại rằng rừng rậm, nơi che chở họ đang bị tàn phá từng ngày", Watson nói.