Xuất thân từ một nhạc sĩ, từng có một số bài hát nằm trong album “Những bài ca đi cùng năm tháng” như Lên núi, Vượt cầu mây… nhưng Nguyễn Thịnh được nhiều người biết đến hơn với vai trò là một nhà nhiếp ảnh. Ông bảo, không thích xưng là nghệ sĩ hay nhiếp ảnh gia gì đó, bởi đơn giản ông không thích mang trên mình những chữ “sĩ”, “nghệ” mặc dù ông đang sinh hoạt tại hội Nhiếp ảnh TP HCM.
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thịnh khoe các bức ảnh về Hạ Long trong căn phòng tập thể của mình ở Giảng Võ, Hà Nội. Mỗi năm, ông chỉ sống ở đây vài ngày mỗi lần ra thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà. |
Quan điểm nhiếp ảnh chỉ là niềm yêu thích, để chơi, không kinh doanh lợi lộc gì trong đó, bắt đầu từ năm 1991, ông "tập tọng" bước vào nghề và dùng chiếc máy Nikon cơ chụp phim FM2 do người vợ mua tặng. Không qua đào tạo, không người hướng dẫn, Nguyễn Thịnh tự mày mò ra được kỹ thuật chụp. Về bố cục ảnh ông bảo là do năng khiếu. “Chụp cho vợ mãi cũng chán. Qua quá trình đi du lịch khắp nơi thấy đẹp, tôi bắt đầu chuyển sang phong cảnh”.
Trải lòng về nghề, Nguyễn Thịnh cho hay, đến nay đã 78 tuổi vẫn hăng say tìm tòi sáng tác. Từng leo trèo tìm góc chụp tốt và bị ngã khiến một thanh sắt đâm xuyên dọc cánh tay, đến giờ vẫn còn vết sẹo dài. Có lần, ông suýt bị xe xúc đất công trường đè nát bàn chân… Chỉ vào bàn chân, ông kể: “Giấu vợ từ hồi đó đến giờ đấy, chỉ cách mấy giây nữa thôi không kịp hô hoán thì chả còn chân mà đi lại nữa rồi”.
Nói về ông, nhiều đồng nghiệp phải thán phục về ý chí và sức khỏe của nhà nhiếp ảnh cao tuổi. “Thanh niên chúng tôi đeo balo cùng đồ nghề máy ảnh nặng trĩu hơn chục kg đi đâu cũng ngại, mà bác ấy gần 80 tuổi vẫn có thể trèo leo khắp nơi cùng những bộ đồ lỉnh kỉnh như vậy thì thật là bái phục”, phóng viên ảnh Trung Kiên nói.
Nguyễn Thịnh vốn quê ở Vân Đình (Hà Tây cũ), vào TP HCM lập nghiệp sinh sống từ đó tới nay. Ông từng làm giám đốc Nhà xuất bản âm nhạc TP HCM. Vợ ông là ca sĩ Thu Hồng, người gốc Sài Gòn, vừa là ca sĩ vừa là đồng nghiệp của Nguyễn Thịnh trong cả âm nhạc lẫn nhiếp ảnh. Thu Hồng không bao giờ biểu diễn, chỉ hát ghi đĩa thu băng và được chồng ưu ái xếp hạng ngang tầm Khánh Ly khi trình diễn nhạc Trịnh.
Nói về quá trình sáng tác ảnh, ông bảo nơi đi nhiều nhất là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Gần 20 năm qua, năm nào ông cũng đến đây ít nhất 2-3 lần để sáng tác. “Hiện giờ tôi đã có không biết bao nhiêu ảnh về di sản thiên nhiên thế giới này. Đây là nơi đẹp nhất trong số những điểm du lịch vợ chồng tôi từng đến”, Nguyễn Thịnh chia sẻ.
Trước khi đến với nhiếp ảnh, Nguyễn Thịnh là một nhạc sĩ. Ảnh: Hoàng Hà |
Ông cho biết, tuy chưa gặp sự cố hay tai nạn nào khi đi sáng tác ở Hạ Long nhưng rất mất công. Ông thích những ngọn núi xếp hàng san sát trên biển, những cánh buồm đỏ của tàu du lịch hay những vệt sóng của các con tầu cùng bầu trời xanh ngắt. “Phải liên tục thuê thuyền ra khơi, leo lên đỉnh các hòn đảo để tìm góc đẹp, chưa kể việc chờ đợi thời tiết, nắng gió bão bùng, chờ bình minh, hoàng hôn thậm chí cả cảnh sương mù..”, nhà nhiếp ảnh sinh năm 1933 vuốt mái đầu đã bạc trắng lốm đốm những sợi đen. Ông cũng tiết lộ, chụp ảnh vịnh Hạ Long đẹp nhất là sau cơn bão. “Lúc đó trời trong vắt không thể kìm lòng bấm máy được”, Nguyễn Thịnh nói.
Tháng 10 năm nay, vịnh Hạ Long đang gấp rút bước vào giai đoạn cuối bầu chọn trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, ông đang tìm cách đưa đến công chúng những tác phẩm tâm huyết của mình. Tuy nhiên, điều ông day dứt nhất là chưa sáng tác được ca khúc nào về thắng cảnh nổi tiếng này của đất nước.
Sau gần 20 năm đi theo con đường nhiếp ảnh phong cảnh chuyên nghiệp, Nguyễn Thịnh đã có 5 cuộc triển lãm cá nhân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Huế. Tác phẩm mang lại tên tuổi cho ông nhiều nhất là các bức ảnh chụp panorama. Năm 2007, trong dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10/10, ông từng có một cuộc triển lãm 56 bức ảnh panorama màu và đen trắng xung quanh hồ Gươm thu hút đông đảo người xem.
|
Hoàng Hà