Người Nga chật vật đối phó lệnh trừng phạt

 Loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đang giáng đòn vào các gia đình Nga, khi giá thực phẩm leo thang tại cửa hàng tạp hóa, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, trong khi tiền lương không được cải thiện khi kinh tế chững lại.

Giá đường cao tăng hơn 65% so với một năm trước, trong khi rau quả đắt hơn 30%, theo số liệu của chính phủ Nga. Giá thực phẩm tổng thể tăng 20%, gấp đôi mức tăng được ghi nhận ở Mỹ vào tháng 4. Dữ liệu thống kê cho thấy mì ống tăng giá gần 30% so với một năm trước, trong khi giá ngũ cốc và đậu tăng 35%.

Tác động của lệnh trừng phạt trở nên nặng nề hơn với các gia đình Nga vì phần lớn ngân sách gia đình của họ dành cho thực phẩm. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thực phẩm chiếm gần 29% chi tiêu trung bình của các hộ gia đình Nga năm 2020, so với 7,1% ở Mỹ và 9,4% ở Anh.

Đà lạm phát của Nga, Brazil và Mỹ từ tháng 5/2021 tới nay. Đồ họa: WSJ.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều người Nga liên tục theo dõi các kênh Telegram để nắm thông tin về các mặt hàng giảm giá, từ mỹ phẩm cho tới pizza. Họ cũng nộp đơn khiếu nại lên Cơ quan Chống độc quyền Liên bang, yêu cầu xem xét tình trạng tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu.

Họ cũng áp dụng một chiến thuật truyền thống để đối phó với tình trạng tăng giá và sự bất định của kinh tế. Một trong số đó là nhanh chóng tiêu tiền mặt trước khi chúng mất giá.

"Ai cũng sợ phải cầm tiền mặt", Alla Shinkevich, nhân viên một công ty bất động sản ở St. Petersburg, nói. Nhưng tình trạng đổ xô mua sắm này có thể khiến hàng hóa thêm khan hiếm và đẩy giá cả tăng thêm.

Trong khi đó, tiền lương của người Nga không theo kịp đà tăng giá, khiến thu nhập khả dụng thực tế trong ba tháng đầu năm nay thấp hơn 1,2% so với năm ngoái. Khi kinh tế Nga được dự đoán suy giảm khoảng 10% trong năm nay, người lao động khó có khả năng được tăng lương.

Gregory Shevchenko, người đồng sáng lập công ty tiếp thị kỹ thuật số Shevchenko.bz ở Moskva, cho rằng nhân viên sẽ bắt đầu yêu cầu được tăng lương do lạm phát, điều mà ông khó đáp ứng.

"Tôi trả lương dựa trên mức tăng trưởng kỳ vọng của công ty. Nhưng khách hàng đã thắt chặt ngân sách, dừng ký hợp đồng mới hoặc rút ngắn các giao dịch", Shevchenko nói. "Điều đáng sợ nhất trong kinh doanh hiện nay là quá trình phát triển dự án bị đình trệ".

Gần ba tháng sau khi phương Tây áp đặt loạt lệnh trừng phạt chưa từng có với Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine, nền kinh tế Nga không sụp đổ như nhiều người dự đoán. Phần lớn các cửa hàng vẫn còn đầy kho và tỷ lệ mất việc là rất thấp.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tình hình có thể sẽ diễn biến xấu đi hơn khi lượng hàng dự trữ trong kho của các công ty cạn kiệt, giá cả linh kiện, phụ tùng tăng lên do khan hiếm, chi phí vận tải cao hơn, khiến tình trạng lạm phát, vốn đã cao gấp đôi tỷ lệ ở phương Tây, trở nên tồi tệ hơn.

"Nhiều công ty Nga vẫn còn linh kiện, hàng hóa phương Tây dự trữ trong kho, có thể đủ trong vài tháng, thậm chí một năm", Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, nhận định. "Nhưng kho hàng này cuối cùng sẽ cạn kiệt và tình trạng khan hiếm sẽ đẩy giá lên cao".

Để đối phó với kịch bản này, Anna Varzhitskaya gần đây thường xuyên tới Kazakhstan để đàm phán với chi nhánh tại địa phương của các nhà cung cấp châu Âu, đồng thời tăng mua sắm thiết bị từ châu Á nhằm lấp đầy kho hàng keo công nghiệp, ổ bi và hệ thống lọc đang vơi đi nhanh chóng của công ty TekhnoVita.

TekhnoVita, nhà phân phối thiết bị sản xuất có trụ sở tại thành phố Samara của Nga, đang vật lộn để tồn tại. Điểm đến tiếp theo của Varzhitskaya là Kyrgyzstan.

"Chưa ai đầu hàng hay bỏ cuộc", người phụ nữ 32 tuổi nói. "Có thể chất lượng sản phẩm của chúng tôi sẽ kém hơn và giá sẽ tăng lên, nhưng công ăn việc làm vẫn được duy trì".

Các doanh nghiệp Nga đang quay cuồng tìm nhà cung cấp mới, thay đổi sản phẩm và quy trình để thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chủ hàng phải tìm tuyến vận chuyển mới, trong khi các nhà nhập khẩu đau đầu vì tình trạng chậm giao hàng.

"Xung đột là điều tồi tệ, khiến nhiều người thiệt mạng, nhưng chúng tôi làm sao thay đổi được điều đó?", Varzhitskaya cho hay. "Chúng tôi phải làm việc, phải nuôi sống gia đình và ai cũng đang cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề để làm hài lòng tất cả mọi người".

Các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nga, gây thêm căng thẳng cho các doanh nghiệp nước này. GDP Nga dự kiến giảm 8,5% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ đầu những năm 1990, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy doanh số bán ôtô mới, một chỉ số quan trọng phản ánh tâm lý người tiêu dùng, đã giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Moskva.

Nhà sản xuất xe môtô ba bánh IMZ-Ural đã đóng cửa cơ sở ở Nga ngay sau khi chiến sự nổ ra. "Chúng tôi chịu sức ép từ cả hai phía", Ilya Khait, giám đốc điều hành công ty, cho biết. "Chúng tôi không thể nhập bất cứ thứ gì vào hay xuất bất cứ thứ gì ra".

Ural xuất khẩu 95% lượng hàng và nhập khẩu khoảng 80% linh kiện, trong đó có giảm xóc từ Italy, kim phun nhiên liệu từ Nhật Bản và phanh từ Tây Ban Nha.

Công ty đang chuyển dây chuyền sản xuất cùng khoảng 150 nhân viên từ thị trấn Irbit, vùng Sverdlovsk, Nga sang cơ sở mới ở Kazakhstan, cách đó khoảng 580 km về phía đông nam.

"Chúng tôi hy vọng có thể khởi động lại sản xuất vào tháng 8", Khait nói. "Chúng tôi phải thích nghi, không còn cách nào khác".

Với những công ty vẫn có thể mua được nguồn cung đầu vào, việc vận chuyển chúng về nước lại là một thách thức lớn.

Công ty hậu cần Major Cargo Service, trụ sở tại Moskva, làm việc với hơn 2.000 khách hàng ở Nga, đã chứng kiến khối lượng nhập khẩu hàng hóa giảm 50-70%, tùy thuộc vào xuất xứ.

Gần đây, những mặt hàng bị cấm vận không thể chuyển được vào Nga, nhưng các sản phẩm khác như quần áo hay thiết bị gia dụng đang tăng dần lên vì đồng ruble đã ổn định và các công ty hậu cần đang tìm cách giải quyết vấn đề, Mihail Markin, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của Major Cargo, cho hay.

Mihail Markin, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của công ty hậu cần Major Cargo Service, trụ sở tại Moskva. Ảnh: WSJ.

Các công ty Nga phụ thuộc vào những thiết bị nằm trong danh sách trừng phạt cũng bắt đầu đặt những lô hàng mới, sau khi tìm đến nhà cung cấp ở các quốc gia thân thiện với Nga.

Tuy nhiên, tuyến đường vận chuyển giờ đây trở nên phức tạp hơn, dài hơn, đắt hơn và công suất thấp hơn so với trước. Markin cho biết thay vì được chở bằng xe tải qua biên giới như trước, hàng hóa giờ đây được chất lên tàu biển ở Italy hoặc các nước Nam Âu khác, đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, hàng được chuyển sang tàu Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua eo biển Bosporus đến cảng Novorossiysk, Nga, rồi được dỡ lên xe tải.

Một giải pháp khác là chất hàng hóa lên xe tải ở châu Âu, chuyển lên xe lửa, vốn có thể qua biên giới, để đến các thành phố lớn của Nga, rồi dùng xe tải đưa tới kho hàng của các công ty. Lộ trình vòng vèo này đã khiến chi phí nhập hàng từ châu Âu tăng gần gấp đôi và biến động theo từng tuần.

Người Nga cũng đang tận dụng các tuyến vận chuyển châu Á để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung, Markin giải thích. Cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông đang ngày càng nhộn nhịp hơn và lượng hàng chuyên chở trên tuyến đường sắt xuyên Siberia đang tăng dần.

Các công ty vận tải đường bộ của Nga có xu hướng tìm đến Trung Quốc và những nước châu Á khác. Nhìn chung, chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đã giảm kể từ tháng hai, nhưng thời gian giao hàng khó dự đoán hơn.

Nhu cầu cà phê Alta Roma đã tăng vọt ở Nga khi các nhà cung cấp khác như Lavazza rút khỏi thị trường. Nhưng theo Francesco Capobianco, đồng sở hữu công ty mẹ của thương hiệu Alta Roma, quá trình chuyển cà phê vào Nga rất chậm chạp và đắt đỏ.

Capobianco cho biết Alta Roma chỉ nhập 2-3 container cà phê trong tháng 3 và tháng 4, giảm so với mức bình thường là 10 container mỗi tháng. Một container đã bị mắc kẹt ở Istanbul trong 20 ngày hồi tháng ba. Trong khi đó, các chuyến hàng vận chuyển bằng xe tải từ châu Âu khiến công ty phải chi hơn 12.600 USD cho mỗi container vào tháng 4, tăng so với mức hơn 4.200 USD trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, ông nói.

Với tốc độ hiện tại, lượng hàng dự trữ trong kho của công ty sẽ hết vào tháng 6. Nếu nguồn cung cấp không được cải thiện, người Nga "sẽ phải uống trà hoặc rau diếp xoăn, rượu barley hay vodka" thay cho cà phê, Capobianco cho hay.

Bên trong một siêu thị ở Moskva hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP.

Khi đồng ruble giảm giá sau xung đột, nhà sản xuất thực phẩm sạch Fit o'clock đã đã phải tăng giá hàng hóa. Elena Tihonova, người đồng sáng lập công ty, cho biết chi phí bán mỗi quả bí ngòi đã tăng gần 9 lần và giấy in nhiệt cho các gói hàng đã tăng gần 7 lần.

Công ty đã thay thế một số bao bì bìa cứng bằng giấy gói với chi phí thấp hơn 40%. Họ cũng cắt giảm nhiều khâu trung gian, làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp từ Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Thách thức lớn hơn của công ty nằm ở máy móc sản xuất, hầu hết đến từ Đức, Italy hoặc Nhật Bản. Máy móc cần bảo trì và Tihonova không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị hỏng. Cô cho hay các sản phẩm thay thế của Trung Quốc có chất lượng kém hơn.

"Nó giống như việc chuyển từ một chiếc BMW tiện nghi sang một chiếc Chery của Trung Quốc", cô nói.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7875
Số người truy cập:
7606426