Người làm rung chuyển huyền thoại Nhật Bản

Năm 1988, tên tuổi của Trương được biết đến khi chàng sinh viên này quyết định thành lập Công ty Trend Micro với số vốn khiêm tốn là 5.000 đôla Mỹ thu được từ việc bán phần mềm diệt virus.

Trương Minh Chính nhớ lại bước đường khởi nghiệp của mình: "Vào năm 1996, khi chúng tôi đang xem xét việc cổ phần hóa, thì ngành phần mềm ở Nhật Bản đang lên như diều gặp gió. Một vài công ty phần mềm thực hiện rất tốt việc phát hành cổ phiếu, trong khi đó chỉ số P/E lại dao động ở mức trên 50. Danh tiếng của Trend Micro tại Nhật Bản nổi như cồn, doanh thu chiếm trên một nửa tổng doanh thu của Trend Micro. Đặc biệt, khả năng nghiên cứu, phát triển và năng lực kinh doanh quốc tế của chúng tôi trong giới phần mềm Nhật Bản là độc nhất vô nhị, thu hút được rất nhiều sự quan tâm.

Các tin bài liên quan

Cùng lúc đó, Ngân hàng SoftBank của Nhật Bản đã đánh bại các gã khổng lồ để mua lại công ty truyền thông thông tin lớn nhất của Mỹ là Ziff-Davis cùng triển lãm máy tính Comdex, trong khi vừa đầu tư thành công vào Yahoo, ngôi sao Internet của Mỹ. Tài sản tăng vùn vụt, danh tiếng lẫy lừng trên toàn thế giới, như ánh mặt trời ban trưa. Nhờ Masayoshi Son - ông chủ của Ngân hàng đã là chỗ quen biết với Trend Micro từ khi chúng tôi mới khởi nghiệp - các phần mềm phòng chống virus của Trend Micro được phân phối tại Nhật Bản thông qua SoftBank.

Lúc bấy giờ, về phương diện lợi nhuận, chúng tôi là nhà sản xuất phần mềm lớn thứ hai đối với SoftBank (cao nhất là Microsoft Nhật Bản). Hai bên hợp tác chặt chẽ, cùng hỗ trợ bổ sung cho nhau rất tốt. Masayoshi Son nhiều năm quen biết chúng tôi, biết được sức bật của Trend Micro, cũng hy vọng mối quan hệ liên doanh với chúng tôi tiến sâu hơn.

Sau khi bỏ qua Mỹ và Đài Loan, lại được SoftBank đề nghị đầu tư, chúng tôi liền tập trung suy tính đến khả năng niêm yết cổ phiếu tại Nhật Bản. Thực tế trước tới nay, chưa một công ty nước ngoài nào có đủ khả năng đổ bộ thành công lên thị trường chứng khoán Nhật Bản. Thách thức này quả thực khiến chúng tôi rất hào hứng. Chúng tôi đã làm rung chuyển thần thoại Nhật Bản mà không một công ty nước ngoài nào làm được, sao chúng tôi lại không dấn sâu thêm một bước nữa chấp nhận thách thức này?

Các nhân viên, cán bộ người Nhật của chúng tôi đã nhận định: “Có thêm SoftBank trong hàng ngũ cổ đông của Trend Micro, thì nỗ lực phát hành cổ phiếu ở Nhật Bản như có thêm một lá bùa hộ mệnh”. Họ luôn lo lắng rằng sếp của mình là một người Đài Loan thì không thể chèo chống được ở Nhật Bản.

“Đừng nghe họ ăn nói hồ đồ. Anh phải kiên định. Bên cạnh đó Intel còn đầu tư 2% cổ phiếu vào Trend Micro. Anh có thật sự cần SoftBank nữa không? Chỉ vì không chắc chắn mà anh đang để họ kiếm chác!”

Bạn tôi, Peter Wolff, và một chuyên gia phân tích chứng khoán công nghệ cao ở ngân hàng Barings hoàn toàn tin tưởng vào chúng tôi. Họ luôn khuyên chúng tôi không nên để người khác đầu tư vào công ty".

“Với năng lực nghiên cứu và phát triển, tình trạng tài chính và doanh thu đang rất được kỳ vọng, chúng tôi có đủ khả năng cổ phần hóa. Vấn đề là chúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ một chuyên gia nào để chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu và cũng không có đủ nguồn nhân lực. Trong khi đối với lĩnh vực này, SoftBank lại có thừa kinh nghiệm và đội ngũ nhân viên có trình độ. Từ trước tới nay, tôi luôn hành động một cách cẩn thận, chu toàn và rất logic”.

“Đương nhiên chúng ta vẫn có thể bỏ tiền ra thuê người giải quyết các vấn đề liên quan tới thủ tục, giấy phép, nhưng như thế, với vai trò là những người thành lập công ty và cũng là người lãnh đạo, chúng ta phải chú tâm tới cả những vấn đề này nữa. Trong khi lúc này, thị trường phần mềm phòng chống virus mạng đang cạnh tranh hết sức khốc liệt. Nếu phân tán lực lượng, chúng ta có thể thành công trên thị trường chứng khoán, nhưng sẽ thất bại trong kinh doanh, như thế thì lợi bất cập hại. Hơn nữa, sau khi tham gia thị trường chứng khoán thì áp lực tăng trưởng càng lớn, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực đấu tranh nâng cao năng lực của công ty. Bây giờ, việc xây dựng nền tảng vững chắc là ưu tiên tuyệt đối của chúng ta”.

”Sao không để mỗi người tự phát huy sở trường của bản thân? Với việc trở thành cổ đông, SoftBank sẽ cử các chuyên gia tài chính chuyên tâm giám sát việc phát hành cổ phiếu, còn chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và nghiên cứu kỹ thuật phòng chống virus, như thế chẳng phải vẹn cả đôi đường sao?”

Lúc đó, Trend Micro chỉ có kế toán trưởng ở Nhật Bản và không có chuyên gia tài chính. Tôi thường xuyên phải liên hệ với các đại diện ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc để tổng hợp thành một bản báo cáo hoàn chỉnh. Đối với việc phát hành cổ phiếu, nếu để tôi, một người hoàn toàn không hiểu biết gì về tài chính, đảm trách công việc giao dịch, thì mọi chuyện nhất định sẽ hỏng bét. Đối với một công ty có giám đốc là người nước ngoài mà chưa cổ phần hóa như Trend Micro, thì việc thuê các chuyên gia tài chính vừa giỏi nghiệp vụ vừa đáng tin cậy ở Nhật khó như lên trời vậy. Do đó, tôi rất tán thành việc SoftBank trở thành cổ đông, chỉ mong họ đảm nhận hoàn toàn việc lập kế hoạch tài chính cũng như mọi vấn đề liên quan đến Ủy ban Giám sát Giao dịch Chứng khoán Nhật Bản.

Sau đó, chúng tôi nhanh chóng quyết định, SoftBank bỏ ra 35 triệu đôla để mua lại 35% cổ phần của Trend Micro, tích cực trợ giúp Trend Micro phát hành cổ phiếu ở Nhật Bản.

Bí sử trước khi phát hành cổ phiếu: Trong suốt thời kỳ chuẩn bị từ năm 1996 cho tới khi cổ phiếu chính thức phát hành tại Nhật Bản, mọi hoạt động hầu như đều lấy việc tung cổ phiếu ra thị trường làm thước đo. Muôn nghìn việc cần phải giải quyết trong quãng thời gian ngắn ngủi này. Bên cạnh việc phải tiếp tục tiến hành các hoạt động kinh doanh như thường lệ, không được chậm trễ hay lơ đễnh, chúng tôi còn phải để tâm tới rất nhiều quy định và luật lệ. Ví dụ, tiền vốn cần phải được tính toán rõ ràng, chính xác; bản báo cáo tài chính cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn trình báo; danh sách cổ đông cần chứng thực; đa số thành viên ban giám đốc phải cư trú ở Nhật… Tôi ở giữa làm nhiệm vụ liên lạc, phải bay đi bay lại giữa Đài Loan và Nhật Bản. Suốt chặng đường bận rộn này, chúng tôi luôn ấp ủ ước mơ được phát hành cổ phiếu của Trend Micro ra thị trường. Lúc bấy giờ, chúng tôi vẫn thường an ủi động viên nhau:

“Cố gắng đến khi phát hành cổ phiếu là chúng ta sẽ khỏe lại thôi”.

Cứ như thể việc tung cổ phiếu ra thị trường là kết thúc của cơn ác mộng và khởi đầu của những giấc mơ đẹp, cứ như thể thời gian sẽ ngưng đọng lại vào thời điểm cổ phiếu phát hành ra thị trường và mọi phiền não, lo toan sẽ tan biến. Và câu chuyện khởi nghiệp của chúng tôi đã kết thúc đẹp mỹ mãn như trong chuyện cổ tích: “Sau bao nhiêu trắc trở, hoàng tử và công chúa lại được sống những ngày hạnh phúc êm đẹp”.

Chúng tôi mong đợi, khát khao, chịu đựng liên miên hết thử thách này đến thử thách khác. Những vấn đề nội bộ liên quan tới các quy định và điều lệ chỉ cần nhẫn nại là có thể giải quyết được, nhưng sự can thiệp hiểm độc của các thế lực bên ngoài khiến người ta trở tay không kịp. Trong đó có một thử thách gay go nhất xuất phát từ hành động phá hoại và lòng dạ khó lường của đối thủ cạnh tranh.

Lúc đó, Network Associates đã niêm yết ở Mỹ được xem là thế lực thống trị giới phòng chống virus toàn cầu. CEO của hãng này, Bill Larson, là người của quỹ đầu tư mạo hiểm, tính tình hống hách, ngang ngược. Với tham vọng lớn lao, ông ta coi việc liên doanh, liên kết là xu thế đúng đắn. Do sự phát triển của ngành kinh doanh mạng ở Mỹ, giá cổ phiếu của công ty này liên tiếp tăng và họ đã áp dụng chính sách trao đổi cổ phiếu với mức giá cao để chiếm các công ty liên quan tới an ninh mạng như Dr.Solomon của Anh, Network General của Mỹ.

Từ lâu, họ đã cảm nhận được sự uy hiếp mạnh mẽ từ Trend Micro. Ngay từ năm 1994, họ đã mua Jade KK, đối thủ nguy hiểm nhất và cũng là duy nhất của Trend Micro ở Nhật Bản lúc bấy giờ, và quyết tâm đánh bại chúng tôi. Nhiều năm nay, họ vẫn không có cách nào lay chuyển được địa vị dẫn đầu của Trend Micro tại Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí tại khu vực châu Âu và Mỹ, họ còn bị lấn át nghiêm trọng bởi kỹ thuật phòng chống virus mạng của Trend. Trend Micro chuẩn bị phát hành cổ phiếu tại Nhật Bản, Giám đốc Điều hành Bill Larson lập tức hành động, trước tiên là “ve vãn” SoftBank, cổ đông lớn của chúng tôi.

Ông ta trực tiếp tìm gặp Masayoshi Son, đưa ra lý lẽ: “Trend Micro suy cho cùng không phải là công ty Nhật Bản thuần túy. Trên thị trường Nhật Bản, được những nhà đầu tư Nhật Bản chấp nhận hay không thì chưa thể nói trước được. Hơn nữa, Network Associates là số một ở châu Âu và Mỹ, còn Trend Micro là quán quân ở châu Á, sở trường của chúng tôi là bán hàng, còn họ chuyên về đổi mới công nghệ. Hai bên có những ưu thế riêng, nếu hợp nhất thì sẽ thống trị thị trường thế giới”.

Ông ta còn nói giọng đe dọa: “Nếu như Trend Micro cổ phần hóa tại Nhật Bản, chúng tôi nhất định sẽ không tiếc sức tiến công vào thị trường này, thậm chí còn tính đến chuyện sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Nhật Bản. Hiện nay, chúng tôi còn có những sản phẩm khác ngoài dòng sản phẩm phần mềm phòng chống virus được phân phối qua SoftBank. Chắc hẳn ông cũng không muốn trở thành kẻ đối địch với tôi chứ?”

Masayoshi Son thích giao du rộng, đặc biệt rất muốn đặt chân lên thị trường Mỹ, càng hứng thú với những chuyện như hợp nhất công ty Á/Âu, mua bán cổ phiếu. Do vậy, chính nghĩa không thể làm ngơ trước sự đe dọa, dụ dỗ của Bill Larson. Ông ta liền cử Yoshitaka Kitao, thành viên Hội đồng quản trị Trend Micro và là người của SoftBank, đàm phán thương lượng với chúng tôi".

Giật mình tỉnh mộng: "Đó là mùa xuân năm 1998, công việc chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra thị trường đang được tiến hành khẩn trương. Hầu hết thời gian của tôi và Minh Chính là ở Tokyo. Koshitaka Kitao mời chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng Nhật Bản thuộc quyền sở hữu của khách sạn All Nippon Airways tại Akasaka-mitsuke. Anh ấy là mẫu người hưởng lạc, khi dùng bữa nhất định phải chọn lựa những cửa hàng cao cấp, tĩnh mịch, có món ăn hảo hạng, thái độ phục vụ thân thiện. Chúng tôi thường xuyên dùng bữa với anh ấy nên không biết ngày hôm đó anh ấy có dụng ý khác. Lúc đó, Giám đốc Tài chính Hiroyuki Nakanishi là người của SoftBank, cũng cùng dùng bữa. Nhưng trước đó, chúng tôi không hề thấy bất cứ dấu hiệu nào báo trước về cuộc mua bán của Network Associates.

Yoshitaka Kitao thong thả nhắc đến chuyện hợp nhất mà Network Associates đề nghị: “Hơn một năm về trước, vốn thị trường của Trend Micro được định giá 100 triệu đôla, SoftBank đã mua 35% cổ phần, bây giờ Network Associates đưa ra giá là 800 triệu đôla tiền mặt, chỉ có một năm mà tăng lên 800%. Việc phát hành cổ phiếu tại Nhật Bản cũng chỉ thu lại được giá cổ phiếu ở mức đó mà thôi. Đây là một thương vụ an toàn. Các cổ đông có thể yên tâm rời công ty trong sự sung túc. Các bạn sẽ không phải đối mặt với những thử thách của việc phát hành cổ phiếu, cũng không phải chịu sự hạn chế mua bán cổ phiếu sau này”.

Yoshitaka Kitao tuy là bạn, hàng xóm tốt của chúng tôi, nhưng khi trình bày vấn đề, anh ta lại đóng vai một chuyên gia đầu tư mạo hiểm khi hướng sự chú ý của mình tới vấn đề thu hồi vốn. Anh ta vừa nhấm nháp miếng gỏi cá vừa thao thao bất tuyệt, không mảy may chú ý đến thần sắc kinh ngạc và trạng thái đờ đẫn cầm đũa của tôi. Minh Chính đã trải qua nhiều phen chinh chiến, hiểu rất rõ luật chơi trên thương trường, không giống như tôi thường làm việc theo cảm tính, chỉ im lặng lắng nghe, thái độ cởi mở tiếp lời: "Đứng trên lập trường của cổ đông thì giữ tiền mặt là cách tốt nhất tránh được rủi ro. Hai công ty hợp nhất thành một sẽ ngay lập tức đạt được vị trí số một thế giới. Tôi cũng được thanh thản nhẹ nhõm. Tôi không hoàn toàn bác bỏ, nhưng trước tiên vẫn cần gặp mặt Bill Larson để nói chuyện”.

"Kinh doanh với người Nhật lâu, tôi cũng học hỏi được một điều, cứ thong thả từ từ thì mọi chuyện sẽ đâu vào đó, xử lý việc gì cũng phải để lại chút thể diện. Rốt cuộc, Yoshitaka Kitao có mặt ở đó là để thực hiện một nhiệm vụ được giao phó, nếu như mới bắt đầu mà đã không nể mặt, cứ kiên quyết phản đối đến cùng sẽ khiến Yoshitaka Kitao rơi vào tình huống khó xử, mà Masayoshi Son cũng sẽ bị bẽ mặt. Vả lại, không chịu nhún nhường thì sợ rằng mọi người phải gánh chịu kết cục thua cuộc. Nhưng Network Associate lại dùng thủ đoạn này, thông qua cổ đông lớn của chúng tôi để phá hoại đợt phát hành cổ phiếu của Trend Micro đã khiến chúng tôi rất đỗi tức giận.

Sau này, một người bạn trong giới đầu tư mạo hiểm nói cho chúng tôi biết, kiểu mua hợp nhất ác ý này rất hay được sử dụng trên thương trường vào thời điểm đó. Chúng tôi có một người bạn, ông Eli Oxenhorn, nguyên là CEO của Cheyenne Software, một hãng sản xuất phần mềm sao chép dữ liệu ở New York. Cũng trong năm này, khi tiến hành cổ phần hóa, chính Network Associates đã phát động một chiến dịch hăm dọa hiểm độc và Oxenhorn đành phải tìm kiếm một giải pháp an toàn là “nằm gọn trong vòng tay” của Associates.

(Trích cuốn "Xu thế không gì ngăn cản nổi" do Alpha Books phát hành)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
66882
Số người truy cập:
8689173