Nghịch lý nông sản phải giải cứu, nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu

 Thông tin trên được ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản chia sẻ tại diễn đàn kết nối 970, ngày 7/7.

Ông Tú cho rằng, tình trạng giải cứu nông sản diễn ra khá nhiều mỗi khi vào mùa vụ, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp ngành này đang rơi vào cảnh "khó chồng khó" khi nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu chế biến vẫn thiếu hụt (chỉ đáp ứng 60% công suất).

Theo ông nguyên nhân là do đặc tính mùa vụ của sản phẩm, thêm vào đó diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất, dẫn tới việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Ngoài ra, chất lượng an toàn thực phẩm của nông sản Việt vẫn chưa được đảm bảo đồng đều về kích thước, mùi vị, dinh dưỡng. Khâu bảo quản sau thu hoạch tại doanh nghiệp vẫn còn kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...) dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%. Chi phí logistic cao (vận tải, xếp dỡ, bán lẻ... chiếm từ 35-50%) đẩy giá sản phẩm đầu cuối tăng,...

Trong khi đó, nội tại doanh nghiệp chế biến thiếu vốn khá nhiều, quy mô nhỏ lẻ. Thống kê cho thấy có hơn 80% số cơ sở có vốn dưới 2 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp không có tài sản để thế chấp trong khi đó, chính sách vay phức tạp nên họ không thể tiếp cận tín dụng. Hiện, ngành này mới chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng vay vốn ngân hàng.

Chưa kể các doanh nghiệp còn gặp khó với thị trường xuất khẩu do các quy định ngặt nghèo về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuế phí...

Công nhân tại nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch. Ảnh: Công Thương.

Trước nhiều thách thức, ông Tú đề xuất cần có các chính sách thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn dễ dàng nhất. Khi có vốn, họ sẽ đầu tư những công nghệ tiên tiến để hỗ trợ hoạt động chế biến sau thu hoạch. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dễ tiêu thụ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo ông Tú cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người trồng tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Ngoài ra, Bộ nên có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả.

Đồng quan điểm, ông Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trong lĩnh vực chế biến cần nâng cao kiến thức trong lĩnh vực chế biến nông sản để tối ưu hóa chi phí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết cũng đang đề nghị các địa phương có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương cần làm cầu nối để kết nối chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp sản xuất chế biến.

Là địa phương đang đi đầu trong đẩy mạnh chế biến nông sản, bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, cho hay đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Năm ngoái, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Hiện tỉnh này tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng.

Với Gia Lai, theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đoàn Ngọc Có, tỉnh có 22 cơ sở và 4 nhà máy chế biến rau củ quả nhưng còn nhỏ lẻ. Do đó, tỉnh này đang nỗ lực điều chỉnh các chính sách để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến và logistics nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản địa phương.

Đến năm 2025, Gia Lai sẽ mở rộng diện tích lên 50.000 ha, chuyển hướng toàn bộ sang sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận VietGAP. Đối với cây ăn quả, Gia Lai phấn đấu mở rộng diện tích lên 29.700 ha trồng với 4 cây trồng chủ lực chanh leo, chuối, sầu riêng, bơ trong năm nay.

Thi Hà


Giày Đại Phát solution
Số người online:
81652
Số người truy cập:
8606387