Ngày đầu Nga tiến quân chớp nhoáng vào Ukraine

 "Tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu bất ngờ trên truyền hình vào 6h (10h giờ Hà Nội) ngày 24/2, tuyên bố mục đích là để bảo vệ người dân, bao gồm công dân Nga, khỏi cuộc "diệt chủng" ở Ukraine.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", Putin nói. "Nga không thể cảm thấy an toàn, phát triển và tồn tại với mối đe dọa thường trực từ lãnh thổ Ukraine. Mọi trách nhiệm về đổ máu sẽ thuộc về lương tâm của chế độ cầm quyền ở Ukraine".

Ngay sau tuyên bố của Putin, các cuộc pháo kích đầu tiên nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine và một số thành phố khác. Giới chức Ukraine cho biết một số thành phố bị tấn công tên lửa, nhiều đoàn quân tiến vào lãnh thổ Ukraine từ Nga, Belarus, đổ bộ vào bờ biển từ Biển Đen và Biển Azov.

Những tiếng nổ được nghe thấy trước bình minh và suốt buổi sáng ở Kiev, thành phố ba triệu dân. Đường cao tốc ra khỏi thành phố bị tắc nghẽn khi người dân tìm cách rời đi.

Sân bay quốc tế chính của Kiev bị ảnh hưởng trong đợt tấn công đầu tiên. Còi báo động không kích vang lên khắp thủ đô trước bình minh.

"Tôi thức giấc vì nghe tiếng bom. Tôi thu dọn đồ đạc và cố chạy trốn", Maria Kashkoska cho biết trong lúc trú ẩn dưới ga tàu điện ngầm ở Ukraine.

Vận tải cơ An-26 Ukraine bị bắn rơi hôm 24/2. Ảnh: Twitter/EhaNews.

Vận tải cơ An-26 Ukraine bị bắn rơi hôm 24/2. Ảnh: Twitter/EhaNews.

Dù phương Tây cảnh báo suốt nhiều tuần rằng Nga sắp tấn công, nhiều người ở Kiev vẫn không tin điều này thực sự xảy ra. "Thật không ngờ. Cho đến sáng nay tôi vẫn tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra", Nikita, chuyên viên marketing 34 tuổi, cho biết khi xếp hàng dài tại siêu thị. "Là một người đàn ông khỏe mạnh trưởng thành, tôi sẽ dự trữ thực phẩm và ở nhà với gia đình".

Ít nhất 68 người Ukraine đã thiệt mạng, gồm cả binh lính và dân thường, theo thống kê tổng hợp từ các nguồn tin của quan chức Ukraine.

Lực lượng biên phòng Ukraine nói rằng các quân Nga đã vào tới tỉnh Kiev, khu vực bao quanh thủ đô Kiev. Theo giới chức Ukraine, trực thăng Nga tấn công Gostomel, sân bay quân sự gần Kiev và lực lượng của họ đã bắn rơi ba chiếc trong số đó. Nga đang cố tiến vào vùng Kiev và vùng Zhytomyr ở biên giới với Belarus.

Vài giờ sau khi Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã vô hiệu hóa các căn cứ quân sự và hệ thống phòng không của Ukraine. Phía Ukraine nói rằng xe tăng và thiết bị hạng nặng của Nga đã vượt qua biên giới ở một số khu vực phía bắc, phía đông cũng như từ bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập từ năm 2014.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ban bố tình trạng thiết quân luật và nói rằng Nga đang tấn công "cơ sở hạ tầng quân sự", nhưng kêu gọi người dân không hoảng loạn và khẳng định đất nước sẽ giành chiến thắng. Ông cũng cáo buộc Nga hành động như "phát xít Đức", tấn công theo một cách "hèn nhát và tự sát" và cắt quan hệ với nước này.

Cảnh sát Ukraine cho biết trong hôm nay, Nga đã thực hiện 203 đợt tấn công. Giao tranh diễn ra ở hầu khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Các lực lượng Ukraine cho biết đã hạ khoảng 50 lính Nga, đẩy lùi cuộc tấn công ở một thị trấn chiến tuyến với quân ly khai do Nga hậu thuẫn. Quân đội Ukraine còn nói rằng họ phá hủy 4 xe tăng Nga trên con đường gần Kharkov và bắn rơi 6 máy bay chiến đấu của Nga ở miền đông. Nga phủ nhận thông tin máy bay hoặc xe bọc thép của họ bị phá hủy. Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tuyên bố bắn rơi hai máy bay Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng của họ đã phá hủy hơn 70 mục tiêu quân sự ở Ukraine, bao gồm 11 sân bay, ba điểm chỉ huy và một căn cứ hải quân. Nga cũng nói rằng họ bắn rơi một máy bay trực thăng, 4 máy bay không người lái Bayraktar TB2 trong khi mất một máy bay chiến đấu vì "lỗi điều khiển".

Các số liệu này chưa được xác minh độc lập.

https://vnexpress.net/cac-mui-quan-nga-tien-vao-ukraine-4431762.html

Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY TimesBấm vào hình để xem chi tiết.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc Nga thực hiện "cuộc xâm lược toàn diện". "Ukraine sẽ tự vệ và giành chiến thắng. Thế giới có thể và phải ngăn chặn Putin. Đã đến lúc hành động", Kuleba cho hay.

Một người dân ở Kharkov, thành phố lớn gần nhất với biên giới Nga, cho biết cửa sổ trong các khu chung cư rung chuyển do những vụ nổ liên tục. Bên ngoài cảng phía nam Mariupol, gần chiến tuyến do quân ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát, đoàn xe bọc thép của Ukraine di chuyển trên đường, với những người lính ngồi trên đỉnh tháp pháo và ra hiệu chiến thắng cho những chiếc xe đang bấm còi ủng hộ.

Tại các thị trấn Mangush và Berdyansk, người dân xếp hàng rút tiền mặt và mua xăng. "Chúng tôi đang chạy trốn", một phụ nữ nói. Nhiều người dân ở thủ đô Kiev lũ lượt dời đi về phía tây.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ kéo dài nếu cần thiết, đồng thời tuyên bố Nga phải đạt được các mục tiêu, trong đó có "phi quân sự hóa" và "thanh lọc khỏi chủ nghĩa phát xít", ông nói với phóng viên.

Vào tối 24/2, quân đội Nga tuyên bố ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự "thành công". Khoảng một giờ trước đó, Tổng thống Ukraine thừa nhận quân đội Ukraine chịu nhiều thiệt hại, trong đó "rất nhiều máy bay và xe thiết giáp bị phá hủy", và Nga đã kiểm soát sân bay Antonov, cách trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 25 km về phía tây bắc. Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ giành lại sân bay này.

Chiến dịch quân sự của Nga đã khuấy động thị trường tài chính toàn cầu, với chứng khoán lao dốc và giá dầu tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng. Giá lúa mì châu Âu cũng đạt mức cao kỷ lục do Ukraine và Nga là hai trong số các nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Zelensky ngay sau khi Nga tấn công, bày tỏ sự ủng hộ của Washington đối với Kiev. Ông Biden lên án "cuộc tấn công vô cớ và phi lý của lực lượng quân sự Nga", đồng thời tuyên bố Nga sẽ phải chịu trách nhiệm.

Biden dự kiến tham gia cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo G7. Nhiều khả năng nhóm sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết Nga phải đối mặt với "sự cô lập chưa từng có" và sẽ phải hứng chịu "các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất". NATO cũng sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và kích hoạt "kế hoạch phòng thủ" cho các nước đồng minh, nhưng không có kế hoạch điều quân đến Ukraine.

Hành động quân sự của Nga cũng khiến các nước thành viên NATO ở Đông Âu cảnh giác. Ba Lan kêu gọi NATO tổ chức các cuộc tham vấn khẩn cấp và cho biết họ đang chuẩn bị cho dòng người tị nạn lớn, trong khi Litva ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.

Các nước phương Tây cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, lên án động thái của Nga và cảnh báo áp lệnh trừng phạt nặng nề. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, đồng thời khẳng định chiến dịch quân sự của Nga không phải "cuộc xâm lược" như nhiều hãng truyền thông phương Tây đang mô tả.

Một nhóm quân nhân Ukraine đứng ở phía bắc Kiev, Ukraine hôm 24/2. Ảnh: AFP.

Một nhóm quân nhân Ukraine đứng ở phía bắc Kiev, Ukraine hôm 24/2. Ảnh: AFP.

Ukraine có khoảng 200.000 quân nhân và có thể tăng cường với 250.000 quân dự bị. Tổng lực lượng của Nga lớn hơn nhiều, với khoảng một triệu quân nhân tại ngũ, và đã được hiện đại hóa, tái vũ trang những năm gần đây. Tuy nhiên, Ukraine gần đây nhận được vũ khí chống tăng tiên tiến và một số máy bay không người lái từ các thành viên NATO.

Xét theo diện tích, Ukraine là quốc gia lớn thứ hai châu Âu, chỉ sau Nga, và có 44 triệu dân. Nước này đặt mục tiêu gia nhập NATO và EU, điều Nga kiên quyết phản đối.

Dù chiến sự đang diễn ra căng thẳng, Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, vẫn lạc quan về khả năng nối lại đàm phán ngoại giao. Ông nói với VnExpress rằng ông Putin sẽ nhất trí ngồi vào bàn đàm phán trong hai trường hợp: một là Tổng thống Nga tin đã đạt được các yêu cầu an ninh và hai là cuộc chiến tốn kém về chi phí, nhân lực vượt dự tính.

Moskva từ lâu xem Ukraine là vùng đệm của NATO, liên minh được thành lập năm 1949 để đối trọng Liên Xô. Putin nói xu hướng NATO mở rộng phạm vi về phía đông châu Âu phạm vào "lằn ranh đỏ" của ông. Lãnh đạo Nga cũng nhiều lần khẳng định một trong những điều kiện tháo ngòi nổ căng thẳng Ukraine là phương Tây phải đảm bảo chắc chắn Kiev không bao giờ gia nhập liên minh. Schuster cho rằng những động thái quyết liệt của Putin hiện nay đủ để "thuyết phục" một số thành viên NATO phủ quyết tư cách thành viên của Ukraine.

Ông nhận định xung đột khó vượt ra khỏi phạm vi Ukraine. "Xung đột ở Ukraine sẽ diễn ra căng thẳng nhưng chỉ giới hạn ở lãnh thổ Ukraine", ông nhận xét.

Chuyên gia cũng cho rằng "có rất ít hoặc thậm chí không có" khả năng đối đầu quân sự giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). "Cả Mỹ và NATO đều không muốn chiến tranh với Nga", ông nói.

Huyền Lê (Theo AFPReuters)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
7316
Số người truy cập:
8987113