Ngân hàng tăng tiếp lãi suất tiết kiệm

Ngay sau thông tin tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm được công bố, bà Lan, hiện cùng lúc gửi tiền tại 2 ngân hàng thương mại, bàn bạc với chồng về việc có nên lựa lúc vàng xuống giá, rút tiền gửi tiết kiệm để mua hay không.

Bà cho hay, ngay sau Tết vừa qua, bà mua vàng ở mức giá 17,3 triệu đồng mỗi lượng, chỉ nửa tháng sau bán ra 18,8 triệu đồng, lãi 1,5 triệu đồng. Sau khi thấy giá mặt hàng tích trữ này có lần sụt gần 1 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau một đêm, bà chuyển tiền sang ngân hàng. Nhưng nay thấy gửi tiền tiết kiệm "chưa ăn thua" với giá tiêu dùng đang tăng lên, bà lại tính đến việc mua vàng.  

Theo Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng CPI của Việt Nam ở mức 15,96% so với cuối năm 2007. Tỷ lệ lạm phát trung bình kỳ, một tiêu chí được nhiều ngân hàng trung ương sử dụng khi hoạch định chính sách tiền tệ, lên mức 19,09%. Giá lương thực là một yếu tố quan trọng tác động đến CPI của tháng 5. 

Lãi suất huy động tiền đồng tại các ngân hàng hiện xoay quanh 14-15% mỗi năm. Ảnh: Hoàng Hà. 

Sau thông tin này, một số ngân hàng đã công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay, từ ngày 28/5 áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, lãi suất cho kỳ hạn trên 13 tháng là 14% mỗi năm và với kỳ hạn 12 tháng trở xuống là 14,1-14,4%. Riêng khách hàng gửi 20 triệu đồng trở lên được hưởng thêm lãi suất thưởng từ 0,24%-1,8% mỗi năm tùy theo kỳ hạn. Trước đó, lãi suất tối đa của ngân hàng này là 14%.

Lãi suất cho kỳ hạn 3-12 tháng của Ngân hàng Nam Á cũng từ các mức 14,4-14,8% mỗi năm đồng loạt tăng lên 15,6%. Cùng với Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), đây là 2 nhà băng có mức lãi suất huy động hàng đầu hiện nay.

Không chỉ lãi suất tiền đồng, lãi suất đôla của một số ngân hàng cũng nhích lên. Sở Giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tại Hà Nội mới đây nâng lãi suất huy động đôla lên mức 5,8-5,9% mỗi năm. Riêng với khách hàng gửi USD với khối lượng lớn, lãi suất có thể được nâng lên 6,8%.

Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh lãi suất đôla cho kỳ hạn 13 tháng lên 7,5% mỗi năm. Với các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất dao động trong khoảng 6,95-7,45%.  

Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho rằng, vào thời điểm hiện nay, dù lãi suất ngân hàng chưa đuổi kịp CPI, song vẫn khó có kênh đầu tư nào có lợi tức ổn định như gửi tiền vào nhà băng. "Vì thế, đối với người dân, đây vẫn là kênh rót vốn chấp nhận được", bà nhận định.

Hiện đa phần khách hàng gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn ngắn 1-2 tháng, nhiều người sử dụng kỳ hạn một vài tuần, một phần vì cho rằng giá tiêu dùng có thể tăng tiếp, một phần đề phòng trường hợp lãi suất tiếp tục nhích lên thì sẽ dịch chuyển sang ngân hàng khác.

Vị lãnh đạo ngân hàng quốc doanh này cũng cho rằng, lợi tức kỳ vọng của các khoản đầu tư phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế ít nhiều có khó khăn như hiện nay, các khoản đầu tư của người dân cũng khó tránh việc chịu ảnh hưởng.  

Ông Dương Quang Khánh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIBBank) cho biết, hiện một số ngân hàng đã tạm gác lại vấn đề lợi nhuận. Thay vào đó, nhà băng tập trung nhiều hơn cho cân đối giữa tăng trưởng nguồn vốn và chất lượng tín dụng. "Nếu tăng trưởng nguồn vốn bằng mọi giá, sẽ đẩy đầu ra lên cao, và có thể mang lại rủi ro", ông Dương Quang Khánh lo ngại.

Phó tổng giám đốc VIBBank cho hay, có khả năng nhà băng này sẽ duy trì lãi suất ở mức 15% trong thời gian tới. Cũng theo ông Khánh, ổn định tâm lý cho cả ngân hàng và khách hàng sẽ giúp mặt bằng lãi suất được bình ổn.

Ông Dương Quang Khánh cũng cho hay, việc liên tục điều chỉnh lãi suất làm khó chính các ngân hàng, khiến nhân viên rất vất vả quản lý nguồn vốn bị dịch chuyển. Khách hàng cũng vất vả khi liên tục "lướt sóng" từ ngân hàng này sang nhà băng khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, nếu ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao, trong khi lãi suất đầu ra đã được khống chế, nhà băng sẽ càng gặp khó khăn. Hiện với mặt bằng lãi suất 14-15% mỗi năm, cộng với 11% dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, quản lý nghiệp vụ, các ngân hàng đều phải tính toán chi li để làm sao không thua lỗ, dù đã tính cả các khoản phụ phí đi kèm lãi suất cho vay.

Mặt khác, ông này cho rằng, nếu lãi suất tăng cao, doanh nghiệp đi vay cũng khó khăn. Ông cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp vay vốn để cầm cự sản xuất. "Nếu lãi suất tăng hơn nữa, chắc họ sẽ không chịu nổi", ông này nói thêm.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
16782
Số người truy cập:
9263716