Ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ bên bờ vực phá sản

Hôm thứ tư vừa qua, Lehman công bố thua lỗ 3,9 tỷ USD trong quý III năm nay, nhưng ngân hàng này cũng không đưa ra kế hoạch để gọi thêm vốn.

"Mối lo ngại hiện nay là Lehman sẽ đối mặt với đúng những gì đã xảy ra với Bear Stearns, khi tình hình tuột dốc quá nhanh và họ không đủ khả năng chặn đà sụp đổ của công ty", nhà phân tích Mark Pado của hãng Cantor Fitzgerald nhận định.

Tháng 3 vừa qua, tập đoàn môi giới chứng khoán Bear Stearns của Mỹ sau một thời gian khủng hoảng đã phải chấp nhận bán lại cho đối thủ JP Morgan Chase với giá rẻ đến khó tin 240 triệu USD, bao gồm cả trụ sở của hãng này. Tại thời điểm đó, giá mỗi cổ phiếu của Bear Stearns là 2 USD, trong khi giá trước đó một năm là 170 USD.


Trụ sở Lehman Brothers tại Quảng trường Thời đại, New York.
Ảnh: AFP

Hiện giá cổ phiếu của Lehman cũng sụt mạnh do có thêm nhiều lo ngại về việc đại gia ngân hàng của phố Wall khó trụ vững trước cơn bão tín dụng. Trong vòng hơn một tuần qua, giá cổ phiếu Lehman đã để mất 41,7%, xuống còn 4,22 USD. Tính đến thời điểm này, giá trị của toàn bộ tập đoàn ngân hàng đã "bay hơi" mất trên 90%.

Năm 2007, Lehman là tập đoàn ngân hàng lớn thứ tư của Mỹ, với doanh thu 59 tỷ USD.

Một số nguồn tin cho hay, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã lên kế hoạch để rao bán Lehman. Chi tiết của kế hoạch này vẫn chưa được thống nhất, nhưng có khả năng thương vụ sẽ sớm được hoàn tất và được công bố trước khi thị trường châu Á bắt đầu phiên giao dịch mới vào tuần tới. Các quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo đang kiểm soát tình hình tại Lehman.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, khả năng Lehman trụ vững và hoạt động độc lập mà không chịu sự quản lý của Chính phủ Mỹ là rất nhỏ.

Hiện bản thân Lehman cũng tích cực tìm kiếm các khách hàng tiềm năng để bán lại, nhưng chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ, để tránh các thủ tục phức tạp. Hiện Bank of America là một trong những khách hàng được nhắm đến.

Ngân hàng đầu tư có kinh nghiệm hoạt động 158 năm nay là nạn nhân mới nhất của cơ bão tín dụng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp tại Mỹ. Mới đây, Chính phủ nước này cũng đã phải bỏ ra 200 tỷ USD để tiếp quản 2 hãng cho vay thế chấp lớn nhất là Fannie Mae và Freddie Mac.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
31752
Số người truy cập:
8759215