Nga cảnh báo cắt quan hệ với phương Tây

 "Có nguy cơ tiềm ẩn như vậy, vì hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với những hành động thù địch", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời kênh truyền hình Pháp LCI hôm 6/4, khi được hỏi liệu Moskva có cân nhắc cắt quan hệ ngoại giao sau khi hàng chục nhà ngoại giao Nga bị tuyên bố là "người không được chào đón" ở các nước NATO.

Theo ông Peskov, làn sóng trục xuất gần đây đe dọa việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao.

"Trục xuất các nhà ngoại giao là quyết định đóng lại cánh cửa quan hệ ngoại giao", ông nói thêm, song nhấn mạnh cần duy trì quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo ở Moskva hồi tháng 2. Ảnh: Reuters.

Italy, Tây Ban Nha và Đan Mạch hôm 5/4 trục xuất 70 nhà ngoại giao Nga, một ngày sau khi Đức trục xuất 35 và Pháp trục xuất 40 đại diện ngoại giao từ Moskva. Quyết định được đưa ra sau khi lực lượng Nga bị cáo buộc giết dân thường ở thị trấn Bucha, phía tây bắc thủ đô Kiev. Nga bác cáo buộc, đồng thời chỉ trích Ukraine cùng truyền thông phương Tây đang tiến hành chiến dịch tin giả, bôi nhọ hình ảnh của Nga.

Trên thực tế, phương Tây bắt đầu trục xuất nhà ngoại giao Nga trước khi có cáo buộc về Bucha. Bỉ, Hà Lan và Ireland đã trục xuất 40 nhân viên Bộ Ngoại giao Nga hôm 29/3. Ba Lan trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga với cáo buộc gián điệp, đồng thời đóng băng tài khoản của đại sứ quán Nga vào 3/3, động thái Moskva cho là vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.

Mỹ và đồng minh không cắt quan hệ ngoại giao với Nga sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, song đã áp loạt biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với các cá nhân và nền kinh tế Nga.

Trong cuộc phỏng vấn, người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh rằng lực lượng Nga rút khỏi khu vực Kiev là "cử chỉ thiện chí" nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Ukraine. Theo ông, Nga quan tâm việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chấp nhận các điều kiện đã được đề xuất tại đàm phán và chấm dứt chiến sự dựa trên những điều kiện đó.

"Ukraine cần đồng thuận về tình trạng của Crimea cũng như các nước cộng hòa ở Donbass", ông Peskov nói, thêm rằng việc Crimea thuộc Nga và các vùng ly khai ở Donbass có tư cách quốc gia độc lập là "những điều hiển nhiên".

Donbass, khu vực phía đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine hai lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại kiểm soát Donbass nhưng đều không thành công.

Hôm 5/4, Tổng thống Ukraine đề xuất gác lại vấn đề Donbass, Crimea trong đàm phán với Nga về chấm dứt xung đột. "Tôi tin rằng chúng tôi sẽ không thể nhất trí về tất cả vấn đề cùng lúc. Điều này là không thể, ngay cả khi chúng tôi tiến hành các cuộc đàm phán", ông nói.

Sau gần một tháng rưỡi giao tranh, chiến sự ở Ukraine đã khiến ít nhất 1.480 dân thường thiệt mạng và 2.195 người bị thương, theo tổng thư ký các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình của Liên Hợp Quốc Rosemary DiCarlo. Tuy nhiên, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) cảnh báo con số thương vong thực tế có thể cao hơn.

Ít nhất 11,3 triệu người đã phải sơ tán, trong đó hơn 4,3 triệu người rời Ukraine đến các nước láng giềng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự.

Huyền Lê (Theo RT, Sputnik)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
4106
Số người truy cập:
8980579