Thông tin về vụ mua bán tên lửa S-300 là không đúng sự thật", Ủy ban hợp tác quân sự Nga ra tuyên bố. Alexander Fomin, phó chủ tịch ủy ban này khẳng định hợp tác giữa Nga và Iran là nhằm đảm bảo cho sự ổn định của khu vực.
Trước đó, phó chủ tịch tiểu ban an ninh và đối ngoại của quốc hội Iran Esmaeil Kosari cho biết Nga bắt đầu cung cấp các thành phần của hệ thống S-300 cho Tehran. Bộ Ngoại giao Iran không phủ định cũng không xác nhận thông tin đó.
Nhà xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport khẳng định họ chỉ cung cấp vũ khí phòng vệ cho Iran và tuân thủ chặt chẽ hiệp ước không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. "Chúng tôi chỉ bán các hệ thống phòng thủ cho Tehran, trong đó có một số loại hỏa tiễn đất đối không, ví dụ Tor-M1".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel cho biết họ đã nhận được trấn an từ phía Nga, rằng nước này chưa bán tên lửa S-300 cho Tehran.
Mỹ và Israel tỏ ý lo ngại về việc Iran trang bị thêm S-300, bởi hệ thống này có thể khiến hỏa lực của Tehran tăng sức mạnh, có thể chống trả các cuộc tấn công từ trên không, đặc biệt là tại các khu vực được cho là có các cơ sở hạt nhân.
Phiên bản nâng cấp của S-300 có tầm bắm 150 km, có thể bắt tín hiệu của các tên lửa đạn đạo và máy bay ở tầm thấp và cao. Hệ thống này có khả năng chặn đứng hữu hiệu những cuộc tấn công từ trên không.
Ngọc Sơn (theo Ria Novosti)