New Zealand kêu gọi Trung Quốc lên án Nga

 "Lịch sử đã nhiều lần cho chúng ta thấy khi các nước lớn coi thường chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà không bị trừng phạt, điều đó không tốt, đặc biệt với các nước nhỏ như New Zealand", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh Trung Quốc ở thành phố Auckland hôm nay.

"Và đó là lý do với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Trung Quốc, cũng như phù hợp với cam kết của New Zealand đối với Hiến chương LHQ, chúng tôi tiếp tục thúc giục Trung Quốc nói rõ họ không ủng hộ hành động của Nga. Chúng tôi cũng đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận và ảnh hưởng của họ để giúp chấm dứt xung đột", bà Ardern nói thêm.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại cuộc họp báo Sydney, Australia ngày 8/7. Ảnh: AFP.

Theo Thủ tướng New Zealand, tác động của cuộc chiến ở Ukraine là toàn cầu, vượt xa khỏi châu Âu và có thể cảm nhận được ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà tiếp tục kêu gọi tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, điều bà cho rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều.

"Nhìn lại hơn 50 năm qua, rõ ràng Trung Quốc và New Zealand đều là những nước hưởng lợi lớn từ hòa bình, ổn định và thịnh vượng tương đối trong khu vực của chúng ta và trên toàn cầu", bà nhấn mạnh. "Các quy tắc, chuẩn mực và thể chế làm nền tảng cho sự ổn định, thịnh vượng như LHQ tiếp tục giữ vai trò không thể thiếu".

Bà nhắc lại những bình luận gần đây về "các vấn đề ở Thái Bình Dương" và cho biết New Zealand "liên tục bày tỏ quan ngại của chúng tôi về cưỡng chế kinh tế, nhân quyền, Tân Cương và Hong Kong".

New Zealand gần đây duy trì quan điểm cứng rắn về an ninh và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, một phần do hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi đầu năm. Tuy nhiên, New Zealand vẫn phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.

Thủ tướng Ardern nói rằng ngay cả khi "Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong theo đuổi các lợi ích", chính phủ của bà sẽ "ủng hộ các cách tiếp cận và kết quả phản ánh lợi ích, giá trị của New Zealand, đồng thời lên tiếng về những vấn đề" đi ngược lại lợi ích, giá trị của họ.

New Zealand liên tục bày tỏ quan ngại đối với Trung Quốc về những cáo buộc cưỡng bức kinh tế, vi phạm nhân quyền và đặc biệt vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người biểu tình Hong Kong và gần đây nhất là nguy cơ quân sự hóa Thái Bình Dương. Trong một số trường hợp, New Zealand tham gia ra tuyên bố chung về những lo ngại này.

Bà Ardern lưu ý xử lý những khác biệt trong mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng dễ dàng và "không có gì đảm bảo".

Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hai nước tăng mua dầu của nước này, bất chấp sức ép từ phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva.

Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm tháng 6 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Moskva về vấn đề chủ quyền và an ninh.

Huyền Lê (Theo ReutersSCMP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
3665
Số người truy cập:
8961865