Dù không nói đích danh Trung Quốc, Clinton và Gates viết rằng châu Á hiện nay có một loạt các thách thức về an ninh, trong đó có hải tặc, khủng bố và 'sự xuất hiện của những cường quốc đang nổi lên", AFP dẫn xã luận. "Là một quốc gia thuộc Thái Bình dương, Mỹ cam kết vượt qua những thách thức đó và bảo vệ quyền lợi của chúng ta ở châu Á", xã luận trên tờ Sydney Morning Herald của hai bộ trưởng có đoạn. Tương lai của Mỹ phụ thuộc vào "thành công ở châu Á", Mỹ "đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Thái Bình dương, trong đó có việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự không quân, hải quân và khả năng của lực lượng tên lửa", xã luận viết. Trước cuộc gặp hôm nay, giới chức cho biết hai nước đồng minh đang có ý định mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ tới các căn cứ quân sự và cảng của Australia, cũng như tổ chức thêm các cuộc tập trận. Củng cố quan hệ quân sự với Australia là một phần trong chiến lược lớn của Mỹ nhằm tăng hiện diện quân sự trong khu vực, triển khai thêm nhiều tàu và binh sĩ tới Đông Nam Á, các quan chức Mỹ cho hay. Cuộc đối thoại cấp bộ trưởng này diễn ra cùng thời điểm Trung Quốc đang ngày càng khẳng định sức mạnh ở Thái Bình dương, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật và một số quốc gia láng giềng. Hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Australia phát biểu rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc chóng vánh hơn dự đoán, yêu cầu nước này công khai các mục tiêu của mình khi định qua mặt sức mạnh quân sự của người Mỹ. "Chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng họ cần có sự minh bạch về chiến lược quân sự", ông Smith phát biểu trên tryền hình ABC. Các quan chức quân sự và chiến lược Mỹ đã theo dõi sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc với một sự lo ngại, họ e rằng Bắc Kinh có thể trở thành mối đe dọa thách thức sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình dương. Tuy thế ông Gates khẳng định kế hoạch tăng cường quân sự của Mỹ ở Thái Bình dương không nhằm đối đầu với Trung Quốc, mà chỉ là để củng cố quan hệ với các nước châu Á mà thôi. Theo BBC, nhiều mối quan ngại đã nổi lên trong khu vực kể từ khi Trung Quốc công bố bản đồ của họ, trong đó khoanh toàn bộ vùng biển ở phía nam nước này vào trong vùng chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên ông Gates nói việc Mỹ tăng lực lượng không chỉ vì Trung Quốc. "Đây không phải là vì chuyện Trung Quốc". "Điều quan trọng hơn, đó là mối quan hệ giữa chúng ta với phần còn lại của châu Á, chứ không chỉ vì Trung Quốc", BBC trích lời ông khi trả lời các phóng viên tháp tùng. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm góc đang "tìm cách đảm bảo rằng lực lượng quân sự (Mỹ) không chỉ chăm chú vào Đông Bắc Á, mà phải xuống cả Đông Nam Á và sau đó qua Ấn Độ dương, trở thành một phần của môi trường an ninh ở khu vực ngày càng quan trọng này". Bộ đôi Clinton và Gates sẽ tổ chức cuộc gặp với các đối tác Australia hôm nay trong sự bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Sếp của họ - Tổng thống Mỹ Barack Obama - cũng đang có một chuyến công du dài ngày đến châu Á Thái Bình dương. Điều này là một minh chứng cho chiến lược trở lại châu Á mà ông Obama đưa ra khi lên nhậm chức. Thanh MaiTrước khi bước vào cuộc hội đàm quan trọng với các đồng nhiệm Australia hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trên một xã luận, đã nhấn mạnh vai trò của Mỹ ở châu Á.
Tàu sân bay George Washington, căn cứ quân sự nổi của Mỹ ở Thái Bình dương. Ảnh: US Navy.