Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự trong lễ duyệt binh. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi muốn có những liên hệ và đối thoại thường xuyên với quân đội Trung Quốc", tướng Robert Kehler, người đứng đầu Lực lượng Chỉ huy Chiến lược Mỹ phát biểu tại Washington.
"Khi Trung Quốc và Mỹ hợp tác thì sẽ tạo ra lợi ích rất lớn, giúp chúng ta tránh được những hiểu nhầm và tránh được những căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai", Kehler nói.
Ông Kehler cũng cho rằng mặc dù Mỹ và Nga nắm tới 90% số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, nhưng mối quan hệ với Trung Quốc về vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng.
"Tôi không coi chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp với Mỹ. Chúng tôi không phải là đối thủ", ông nói.
Ngoài ra, tư lệnh Mỹ thừa nhận những lo lắng về việc thu hẹp ngân sách của Lầu Năm Góc trong năm 2013 vì nền kinh tế toàn cầu đi xuống. Ông cho biết lo lắng nhất về việc đầu tư cho bản thân các vũ khí hạt nhân chứ không phải hệ thống dẫn đường cho vũ khí.
"Hiện nay đã có tiền đầu tư cho máy bay không kích tầm xa và tiền đầu tư cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Điều tôi quan tâm nhất là chúng ta cần phải đầu tư đích đáng và thích hợp cho các cơ sở sản xuất vũ khí".
Áp lực tài chính đè nặng lên các quan chức quân đội Mỹ khi chi tiêu quốc phòng bị cắt giảm 487 tỷ USD trong thập kỷ tới. Đây được coi là nhiệm vụ nặng nề nhưng được hy vọng là có thể thực hiện được.
Tuy nhiên nguy cơ giảm ngân sách mạnh hơn nữa đang lơ lửng phía chân trời. Nếu đến tháng 1/2013, các nghị sĩ không thống nhất được biện pháp làm giảm thâm hụt, thì ngân sách quốc phòng sẽ tự động bị cắt giảm thêm 500 tỷ USD nữa.
Vũ Hà