Lầu Năm Góc hôm 10/3 cho biết hai vụ phóng gần đây mà Triều Tiên tuyên bố là để thử nghiệm vệ tinh trinh sát thực chất là những đợt phóng thử mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới và cảnh báo một vụ thử toàn diện sắp diễn ra.
Quân đội Mỹ đánh giá mẫu ICBM mới này lớn hơn mẫu Triều Tiên từng phóng thử năm 2017, vốn được đánh giá là có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Washington đã đặt lực lượng trinh sát và phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương vào trạng thái "sẵn sàng tăng cường" để chuẩn bị ứng phó với cuộc thử nghiệm ICBM tiếp theo của Triều Tiên.
"Hai vụ phóng trước không thể hiện tầm bắn của ICBM, là nhiều khả năng là để đánh giá hệ thống mới trước khi tiến hành vụ thử toàn diện trong tương lai, có thể được ngụy trang là một vụ phóng vệ tinh", thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.
Người dân Seoul, Hàn Quốc, ngồi trước TV xem bản tin về vụ thử nghiệm của Triều Tiên hôm 5/3. Ảnh: AP.
Triều Tiên đã tuyên bố các vụ phóng hôm 4/3 và 26/2 chỉ nhằm thử nghiệm các camera được lắp trên vệ tinh trinh sát trong tương lai. Tuy nhiên, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản coi các cuộc phóng vệ tinh của Triều Tiên như một hình thức thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo vốn bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết nước này sẽ công bố vòng trừng mới với Triều Tiên vào ngày 11/3, nhằm ngăn cản nước này tiếp cận công nghệ cần thiết cho các chương trình vũ khí.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần liên hệ với Triều Tiên để đưa nước này trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên tới nay vẫn chưa phản hồi bất cứ đề nghị nào.
Triều Tiên đã tiến hành 8 vụ thử vũ khí kể từ đầu năm, trong đó 7 vụ chỉ trong tháng 1. Giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa trong bối cảnh dư luận quốc tế tập trung chú ý đến khủng hoảng tại Ukraine.
Ngọc Ánh (Theo AP)