Điều nguy hại khôn lường là Al Qaeda hiện diện mạnh mẽ ngay tại bán đảo Ả Rập, trong lòng rốn dầu của thế giới mà kho chứa lớn nhất là Saudi Arabia!
|
Cảnh sát Yemen bảo vệ an ninh bên ngoài tòa án ở thủ đô Sanaa ngày 2-11 - Ảnh: AFP
|
Al Qaeda tại Yemen không hề che giấu mục tiêu của họ là tấn công phá hoại Saudi Arabia, trong đó có các mục tiêu dầu lửa khổng lồ của vương quốc này. Trong vài năm gần đây, Saudi Arabia đã phát hiện và làm thất bại một số kế hoạch phá hoại khủng bố như vậy do Al Qaeda ở Yemen thực hiện.
Trong khi đó, Yemen lại là một quốc gia nghèo, lạc hậu vào bậc nhất trong khu vực Ả Rập và trên thế giới. Chính phủ nước này vốn rất yếu kém lại đang phải chống trả cuộc nội chiến với lực lượng phiến loạn của dòng tộc Al-Hauthi (Shi’a được Iran ủng hộ) ở miền tây bắc, đồng thời lại phải đối phó với nguy cơ ly khai ngày càng quyết liệt do các lực lượng miền nam phát động nhằm khôi phục tình trạng hai nước Yemen như trước thập niên 1990.
Siết chặt an ninh hàng không
Mỹ, Anh, Đức, Canada và Hà Lan đều tăng cường các biện pháp an ninh hàng không. Hà Lan ngừng tiếp nhận các chuyến bay chở hàng và thư tín khởi hành từ Yemen (nằm ở bán đảo Ả Rập khu vực Tây Nam Á, phía tây giáp với biển Đỏ) để phòng ngừa, nhưng vẫn cho phép “có giới hạn” một số chuyến bay quá cảnh nước này đến nước khác. Canada tạm ngừng tiếp nhận các chuyến bay chở hàng hóa từ Yemen để chờ phân tích tình hình.
Riêng Anh quyết định ngừng tiếp nhận các chuyến bay chở hàng không có người hộ tống từ Yemen đối với cả các chuyến bay đến từ Somalia, sau khi có tin Al Qaeda ở Yemen đang liên lạc với các nhóm khủng bố ở Somalia.
Đức mở rộng lệnh cấm các chuyến bay chở hàng hóa sang các chuyến bay chở hành khách đến từ Yemen. Ai Cập đang kiểm tra bằng máy soi kỹ hơn đối với các hành khách đi máy bay đến từ sáu nước Ả Rập, trong đó có Yemen và Somalia.
Sân bay Cairo bắt đầu kiểm tra bằng tay và chó nghiệp vụ đối với tất cả bưu kiện gửi bằng đường hàng không.
|
Mặc dù Tổng thống Ali Abdullah Saleh thường xuyên mạnh miệng khẳng định có thể tự mình giải quyết Al Qaeda để cự tuyệt mọi âm mưu can thiệp từ bên ngoài, nhưng chính quyền của ông chẳng những không có nguồn tài chính và tiềm lực kỹ thuật nào mà còn thể hiện sự bất lực ngày càng rõ trước các nguy cơ từ cả ba phía - bạo loạn Al-Hauthi ở miền bắc, ly khai ở miền nam và Al Qaeda.
Nay Al Qaeda ở Yemen một mặt đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với Saudi Arabia, mặt khác chứng tỏ khả năng có thể tổ chức được nhiều hơn các kế hoạch khủng bố đa dạng nhắm vào Mỹ và Tây Âu. Điều này khiến nguy cơ can thiệp trực tiếp của Mỹ và phương Tây vào Yemen càng có thể trở thành hiện thực.
Nếu xảy ra can thiệp trực tiếp của Mỹ và phương Tây vào Yemen với lý do trừng trị Al Qaeda tại bán đảo Ả Rập, thì sẽ kích hoạt cuộc chiến mới do các lực lượng dân tộc Ả Rập, Hồi giáo sùng đạo phát động với những hình thức kháng chiến, thánh chiến cùng khẩu hiệu chống ngoại xâm và “ngoại đạo”.
Một “Afghanistan bên bờ biển Đỏ” liệu có xuất hiện? Đã có những dấu hiệu cho thấy điều đó. Với Mỹ, ngoài việc tạm thời cấm các chuyến bay chở hàng từ Yemen, ông Obama đã cử một nhóm chuyên gia tới Yemen giúp đào tạo giới hữu trách địa phương kỹ thuật kiểm tra hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, trong khi chờ lệnh cấm này được hủy bỏ.
Tờ Wall Street Journal cho biết Tổng thống Barack Obama đang xem xét thành lập đội đặc nhiệm “tìm diệt” dưới sự điều hành của CIA để hoạt động bí mật tại Yemen và truy tìm các thủ lĩnh Al Qaeda. Dù chiến lược này giúp Mỹ nhanh chóng tìm ra các mục tiêu nghi ngờ và chính quyền Yemen bác bỏ sự liên quan, nhưng cách tiếp cận này lại dễ gây phản cảm với Yemen.
Bộ Quốc phòng Mỹ tuy vậy đã lập tức bác bỏ thông tin trên tờ Wall Street Journal. Mỹ hiện đang thực hiện chương trình trị giá 155 triệu USD giúp tăng cường khả năng chống khủng bố ở Yemen thông qua cung cấp máy bay, thiết bị và đào tạo đặc biệt, cũng như các đợt tấn công tên lửa nhằm vào các lực lượng bị nghi ngờ là khủng bố.
Một số nhà bình luận cảnh báo sự phụ thuộc quá lớn của Yemen vào sự hỗ trợ quân đội của Mỹ, và cho rằng cần có thêm các viện trợ phát triển cho nước này để ngăn Yemen trở thành một nhà nước thất bại - tức là không thể kiểm soát được tình hình trong nước. “Quá nhiều sự chú ý, quá nhiều hỗ trợ quân sự, việc cho phép CIA hoạt động theo các chương trình do thám tại Yemen cũng giống như châm mồi lửa cho căng thẳng nội bộ Yemen vốn đã là lý do để Al Qaeda để mắt từ lúc đầu” - Chris Boucek thuộc tổ chức vì hòa bình có tên Carnegie Endowment for International Peace viết trên tờ Financial Times.
N.NGỌC HÙNG - K.LOAN