'Mộng ước không xa vời' và giấc mơ về nhạc kịch Việt Nam

 Tối 9/3, đêm diễn cuối của Mộng ước không xa vời khép lại tại Trung tâm văn hóa L’espace (Hà Nội). Như hai vở nhạc kịch trước, các đêm diễn lần này tiếp tục "cháy" vé và khán phòng được lấp kín khán giả. 

*Video: Trích đoạn nhạc kịch "Mộng ước không xa vời"

Có độ dài khoảng 150 phút, Mộng ước không xa vời lấy bối cảnh thế giới tương lai, khi một nhà khoa học có tên David sáng chế ra con virus H-Ô-Hô đã giết chết hai tỷ người trên Trái đất. Nguyên nhân tạo nên con virus nguy hiểm này là do David quá thương nhớ người mẹ tên là Hoài Bão đã bị ám sát trong bệnh viện vào đúng đêm giao thừa năm 2017. Benny - anh trai David - đã cùng người bạn thân là Ken sáng chế ra cỗ máy thời gian. Một ngày, Ken cùng nữ phóng viên Mina trở lại quá khứ nhằm ngăn chặn tội ác xảy đến với bà Hoài Bão để con virus H-Ô-Hô vĩnh viễn không bao giờ được ra đời.

Nếu như Góc phố danh vọng và Đêm hè sau cuối được Nguyễn Phi Phi Anh viết năm 21 và 22 tuổi thì Mộng ước không xa vời là tác phẩm mới nhất, được chàng đạo diễn trẻ "sinh ra" khi đã có nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống (năm nay Phi Anh 26 tuổi). Điểm nổi trội nhất của vở kịch thứ ba này chính là phần kịch bản. Tính triết lý, lớp lang, cách xây dựng chi tiết, lồng ghép thông điệp xã hội cũng như cách kể của Mộng ước không xa vời có chiều sâu và khéo léo hơn hai vở trước. Virus H-Ô-Hô thực chất là một cách nói ẩn dụ của sự hão huyền trong xã hội hiện nay, đặc biệt là ở giới trẻ. "Bà nội" của sự hão huyền này không ai khác chính là hoài bão.

Hai nhân vật David (Hoàng Phương đóng) và Mina (Hứa Thanh Tú đóng) trong một trích đoạn ở phần đầu vở kịch.

Hai nhân vật David (Hoàng Phương đóng) và Mina (Hứa Thanh Tú đóng) trong một trích đoạn ở phần đầu vở kịch. Ảnh: Giang Huy.

Thế hệ trẻ hiện nay luôn sống với những hoài bão, lý tưởng của mình và phần lớn đều bị mắc kẹt trong đó, sản sinh ra những sự hão huyền, ảo tưởng để rồi đến khi thất bại mới thấm thía. Đoạn kết của vở kịch xây dựng được chi tiết rất đắt giá nói về sự trưởng thành. Dường như đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh đã đưa chính câu chuyện ngoài đời của mình vào vở kịch khép lại dự án Hope. Thuộc thế hệ 9x, đã viết được hai vở kịch khi còn rất trẻ, được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 30 người quyền lực dưới tuổi 30 của Việt Nam. Những thành công đến quá sớm cũng tạo nên những áp lực cho Phi Anh, nhất là khi Góc phố danh vọngvà Đêm hè sau cuối nhận nhiều lời khen nhưng cũng không ít lời chê.Mộng ước không xa vời cho thấy sự trưởng thành hơn của đạo diễn 26 tuổi, dù đôi chỗ vở kịch vẫn thấy rõ sự non tay.

Sân khấu lần này được giản lược hơn so với hai vở trước, chỉ có những khối kính trong suốt cùng một cỗ máy thời gian. Vũ đạo ở vở này được tối giản để nâng phần hát và diễn xuất. Âm nhạc cũng là một trong những điểm cộng của Mộng ước không xa vời. Thay vì sử dụng những ca khúc nhạc Anh - Mỹ quen thuộc được dịch ra lời Việt như hai vở trước, Phi Anh dùng nhiều hơn nhạc Nhật, nhạc Hong Kong nhưng vẫn đan cài một số ca khúc mà từ nhạc hiệu, người xem đã thuộc tên. Phần lớn các bản nhạc của Mộng ước không xa vời không quá quen nhưng cũng không quá lạ lẫm. Điều đó giúp khán giả cảm thấy mới mẻ trước một giai điệu rõ ràng đã nghe ở đâu đó nhưng khó có thể nhớ tên.

Khung cảnh đón năm mới trong bệnh viện của Đốc-Tờ Dung.

Khung cảnh đón năm mới trong bệnh viện của Đốc-Tờ Dung. Ảnh: Giang Huy

Vở kịch thứ ba này đưa trở lại rất nhiều diễn viên từng diễn hai vở trước như Hứa Thanh Tú (mợ Vân của Đêm hè sau cuối), Trương Hoàng An (Đào của Đêm hè sau cuối), Hoàng Phương (Thiện của Đêm hè sau cuối 2013) hay Minh Quân Bùi. Đất diễn được chia đều cho từng diễn viên nhưng thời lượng xuất hiện của mỗi người lại hơi ngắn. Gây ấn tượng nhất trong Mộng ước không xa vời lại là diễn viên Thanh Ngọc trong vai Hồng - cô bé ở bệnh viện mà bị nghi là hung thủ giết bà Hoài Bão. Lối diễn tưng tửng, vui nhộn của Thanh Ngọc tạo nên nhiều tiếng cười nhất cho vở diễn lần này.

Kịch bản của Mộng ước không xa vời thú vị nhưng thay vì chiều đại chúng, tác giả lại chọn thách thức cảm thụ số đông khi áp đặt tính cá nhân quá nhiều, khiến không ít khán giả cảm thấy khó hiểu khi xem xong. Vốn là dân học về phim, Phi Anh đưa tư duy điện ảnh khá nhiều khi xây dựng vở nhạc kịch này. Cái kết gợi mở, chơi vơi của Mộng ước không xa vời có thể phù hợp với một phim điện ảnh, đặc biệt là phim tác giả, nhưng đặt ở nhạc kịch sẽ tạo cảm giác khó hiểu, mơ hồ, nhất là khi nhạc Việt Nam vẫn đang tìm cách tiếp cận đại chúng. Đạo diễn 26 tuổi cũng chưa xử lý tốt được về nhịp điệu, khiến cả Mộng ước lẫn hai vở trước đều có nhiều đoạn khá dài dòng.

Vân Anh The Voice (giữa) đóng vai một robot đến từ tương lai. Ảnh: Tuấn Dào

Vân Anh The Voice (giữa) đóng vai một robot đến từ tương lai. Ảnh: Tuấn Đào.

Khi Mộng ước không xa vời khép màn, khán giả ra ngoài khán phòng tranh luận sôi nổi với những ý kiến trái chiều. Số đông cảm thấy khó hiểu về đoạn kết nhưng những người hiểu rõ quá trình của Nguyễn Phi Phi Anh thì thích thú với sự trưởng thành mà đạo diễn trẻ thể hiện trong vở này. Với những gì đã thể hiện trong dự án Hope với ba vở kịch tạo được hiệu ứng truyền thông, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và êkíp cũng toàn những người trẻ của anh xứng đáng được đầu tư hơn nữa để tiếp tục phát triển trong tương lai. Mộng ước của nhạc kịch Việt Nam có thể không quá xa vời nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian và cả hoài bão. 

Nguyên Minh


Giày Đại Phát solution
Số người online:
91386
Số người truy cập:
7702614