Mối quan hệ từ 'anh em một nhà' thành kình địch giữa Venezuela và Colombia

 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm qua cáo buộc nước láng giềng Colombia đứng sau âm mưu ám sát bằng máy bay không người lái mang thuốc nổ nhắm vào ông trong lễ diễu binh.

"Phe cực hữu Venezuela liên kết với các phần tử cực hữu Colombia đã thực hiện vụ tấn công và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đứng sau âm mưu này", Maduro tuyên bố trên truyền hình tối qua, sau khi thoát khỏi vụ nổ do máy bay không người lái gây ra. "Một số bằng chứng đã được thu thập và tôi sẽ không nói thêm điều gì, ngoài việc cuộc điều tra đang tiến triển nhanh".

Maduro không đưa ra chứng cứ nào cho lời buộc tội của mình và người phát ngôn Tổng thống Colombia sau đó cũng bác bỏ cáo buộc của ông. "Tổng thống Santos đang tập trung cho lễ rửa tội của cháu gái Celeste và không tìm cách lật đổ các chính phủ nước ngoài", đại diện chính phủ Colombia tuyên bố. Dù vậy, vụ ám sát hụt và những lời cáo buộc của Maduro một lần nữa cho thấy mối quan hệ nhiều trắc trở và thù địch giữa hai quốc gia từng "chung một mái nhà" này, theo LATimes.

Colombia và Venezuela từng là tỉnh Santa Marta và tỉnh New Andalucia dưới thời thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, nhưng sau đó giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Simon Boliviar và trở thành một quốc gia với tên gọi Đại Colombia. Sau khi tách ra vào thế kỷ 19, hai quốc gia láng giềng này chứng kiến mối quan hệ thay đổi liên tục giữa đối đầu và hợp tác.

Hai nước từng là anh em này luôn thể hiện sự hoài nghi và ngờ vực lẫn nhau. Colombia thường xuyên cáo buộc Venezuela cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử nổi dậy Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), trong khi Caracas cho rằng Bogota đang hậu thuẫn Washington để thực hiện các âm mưu lật đổ nhắm vào mình.

Tháng 11/2009, Tổng thống Venezuela khi đó là Hugo Chavez tuyên bố Colombia đang có âm mưu cấu kết với Mỹ để tấn công nước này và ra lệnh cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh. Bogota gọi đây là "lời đe dọa gây chiến", trong khi Caracas đáp trả rằng tuyên bố này của Colombia là "đạo đức giả". 8 tháng sau, Venezuela cắt mọi quan hệ ngoại giao với Colombia.

Năm 2010, Santos đắc cử Tổng thống Colombia và khởi xướng nỗ lực đàm phán với Chavez để cải thiện quan hệ song phương. Trong chuyến thăm tới Caracas năm 2011, lãnh đạo hai nước đã ký một loạt thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp, thương mại và an ninh, theo CNN.

Santos (trái) ký thỏa thuận hợp tác với Chavez ở Caracas năm 2011. Ảnh: CNN.

Santos (trái) ký thỏa thuận hợp tác với Chavez ở Caracas năm 2011. Ảnh: CNN.

Chavez đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán giữa chính phủ Colombia và FARC, với kết quả là thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 2016, giúp Santos đoạt giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực không mệt mỏi nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở quốc gia này. Tuy nhiên, quan hệ song phương xấu đi kể từ khi ông Maduro lên nắm quyền năm 2013 và cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Venezuela.

Tình trạng lạm phát phi mã và khan hiếm nhu yếu phẩm cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt suốt 4 năm qua đã khiến khoảng hai triệu người Venezuela rời bỏ đất nước để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó nhiều người đã tràn qua biên giới Colombia để xin tị nạn.

Bogota yêu cầu Caracas phải có biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và tị nạn, nhưng Maduro tuyên bố Venezuela không gặp khủng hoảng, tỷ lệ đói nghèo của nước này chỉ ở mức 4,4%, không phải 61% như công bố của một nhóm trường đại học hàng đầu Venezuela.

Ông cũng nhiều lần đổ lỗi cho hành vi "phá hoại" của phe đối lập và các thế lực nước ngoài đối với nền kinh tế Venezuela, đồng thời cáo buộc chính quyền nước láng giềng Colombia là "tay sai" của Mỹ trong nỗ lực gây bất ổn và tìm cách thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Trong khi đó, Colombia nhiều lần cáo buộc quân đội Venezuela xâm nhập lãnh thổ nước này và dung dưỡng cho các chỉ huy phong trào nổi dậy ELN vốn đang chống lại chính quyền Bogota. "Rõ ràng một số lãnh đạo của ELN đang ẩn náu ở Venezuela, chúng tôi đã biết điều đó từ lâu", Santos năm ngoái tuyên bố. "Chúng tôi đã diệt nhiều chỉ huy, thủ lĩnh của ELN tại đó".

Cuối tháng 3, Colombia đã phản ứng quyết liệt khi Tòa án Tối cao Venezuela tước bỏ quyền lực của quốc hội vốn do phe đối lập kiểm soát. Colombia cùng một loạt thành viên Hiệp hội Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) như Brazil, Argentina, Chile, Uruguay và Paraguay đã ký vào lá thư thể hiện sự quan ngại đối với hành động của Tòa án Tối cao Venezuela, trong khi Tổng thống Santos gọi đây là "hành vi phá hoại trụ cột của nền dân chủ". Trước phản ứng này, Tòa án Tối cao Venezuela đã thu hồi phán quyết, dù không nêu rõ lý do.

Đến tháng 5, trước khi cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela diễn ra, Santos đã dự đoán rằng sẽ có "sự thay đổi chế độ" ở quốc gia này, tuy nhiên Maduro đã tái đắc cử với tỷ lệ cao, trong khi phe đối lập ở Venezuela tẩy chay kết quả.

Trong bài phát biểu hôm 1/8, chỉ vài ngày trước khi vụ ám sát hụt Tổng thống Venezuela diễn ra, Santos đã chỉ trích Maduro "nhắm mắt làm ngơ" trước cuộc khủng hoảng của đất nước khi khăng khăng rằng quốc gia này không gặp khó khăn và không cần sự trợ giúp từ bên ngoài, đồng thời tiếp tục dự đoán rằng thời gian nắm giữ quyền lực của Maduro "chỉ còn tính bằng ngày".

Dòng người tị nạn từ Venezuela tập trung tại biên giới Colombia. Ảnh: AP.

Dòng người tị nạn từ Venezuela tập trung tại biên giới Colombia. Ảnh: AP.

"Tôi có thể thấy rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần", First Post dẫn lời phát biểu của Santos, nhắc đến báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng tỷ lệ lạm phát của Venezuela sẽ đạt mức một triệu % trong năm nay. "Chế độ của một quốc gia có mức lạm phát như vậy sẽ phải sụp đổ".

Giới quan sát cho rằng những tuyên bố như vậy của Santos càng khiến Venezuela có cơ sở để tin rằng Colombia có dính líu tới âm mưu ám sát Maduro, dù tới nay chưa có bất cứ bằng chứng nào thể hiện điều này.

Điều đáng chú ý là Santos đưa ra dự đoán trên trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Thỏa thuận hòa bình ký với FARC giúp ông đoạt giải Nobel Hòa bình, nhưng khiến tỷ lệ ủng hộ trong nước của ông sụt giảm thảm hại, khi phe đối lập cho rằng ông đã nhượng bộ quá nhiều trước quân nổi dậy.

Điều này khiến Santos thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 6 trước đối thủ theo đường lối cực hữu Ivan Duque và sẽ mãn nhiệm vào ngày 7/8. Căng thẳng giữa Colombia và Venezuela được dự đoán là sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt sau khi Duque, người có quan điểm cứng rắn, nhậm chức.

Với việc Duque lên nắm quyền, tương lai của thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia với FARC sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết, cùng với đó là những mâu thuẫn ngày càng khó giải quyết với quốc gia láng giềng Venezuela, giới quan sát nhận định.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
24491
Số người truy cập:
9025967