Mở 'room' chứng khoán chỉ có tác dụng nhất thời

Theo quan sát thị trường của một chuyên gia tại Công ty chứng khoán HabuBank, chính nhà đầu tư trong nước mới thực sự là đối tượng liên tục bán cổ phiếu ra, khiến thị trường sụt giảm liên tiếp thời gian vừa qua. Những cổ phiếu được bán mạnh là ABT, AGF, PPC, GMD, REE, đặc biệt là SSI và STB đều là các cổ phiếu được khối ngoại rất quan tâm, nhưng đã hết hoặc gần hết room. Lượng dư bán giá sàn của các cổ phiếu này trong vài phiên gần đây nhiều khi lên tới vài triệu đơn vị.

Hành vi giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài khác hẳn các nhà đầu tư trong nước. Họ liên tục mua vào các cổ phiếu mà họ cho là tiềm năng. Nhiều phiên, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm gần 50% sàn Hose. Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục duy trì mức mua vào cao hơn bán ra một cách đều đặn trong hơn một tháng qua vừa "đỡ" Vn-Index không tụt quá nhanh, vừa giúp thị trường có tính thanh khoản cao hơn.

Trong một phiên giao dịch cuối năm 2007, phiên giao dịch ngày 21/8,trung tâm lưu ký đã có sơ suất nhầm room của STB từ 30% thành 49%. Ngay lập tức các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt mua ồ ạt cổ phiếu trên khiến cổ phiếu này tăng trần, dù trong hoàn cảnh đó thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm. Động thái này của khối nhà đầu tư ngoại cho thấy họ luôn sẵn sàng gom những cổ phiếu tốt nếu có điều kiện.

Theo chuyên gia HabuBank trên, giải pháp mở "room" cho nhà đầu tư nước ngoài trước mắt sẽ giải quyết được tình hình thị trường sụt giảm cả về giá trị lẫn tính thanh khoản.

Bên cạnh đó, việc mở room nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm đến trên 50% quyền sở hữu tại các doanh nghiệp niêm yết, họ sẽ có quyền hoạch định chiến lược lâu dài cho công ty cũng như có nhiều quyền quyết định hơn đối với hoạt động kinh doanh của công ty. 

Nhà đầu tư cá nhân là đối tượng dễ bị cuốn vào các giao dịch của DNTNN. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhà đầu tư cá nhân là đối tượng dễ bị cuốn vào giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo quan điểm của chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Quang A, còn rất nhiều việc phải cân nhắc khi mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. Dù sao, nếu nhà đầu tư nước ngoài được tăng room, thì mặt tích cực của vấn đề này là họ có thể giúp công ty làm ăn hiệu quả hơn, bằng việc đầu tư trực tiếp trang thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại vào doanh nghiệp. Đầu tư trực tiếp như vậy rất có lợi, do khi hết thời hạn đầu tư dòng vốn FDI có thể tiếp tục tái đầu tư hoặc ở lại Việt Nam cả dưới dạng tài sản vô hình và hữu hình.

Khi room được nâng lên, nếu các cổ đông lớn trong nước muốn giữ vị thế của mình trước nhà đầu tư ngoại thì cần phải tìm biện pháp nâng cao năng lực quản lý để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh. Như vậy việc này còn có thể tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn cho thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển.

Đổi lại những khía cạnh tích cực, việc mở room có thể kèm theo nhiều rủi ro. Một nhà đầu tư tại công ty chứng khoán SeaBank cho rằng trong việc thu hút vốn gián tiếp của nước ngoài qua thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có thể ồ ạt bán tháo cổ phiếu như giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997. Hơn nữa, Chính phủ cũng cần phải tính đến ảnh hưởng của một lượng ngoại tệ lớn đổ vào Việt Nam trong thời gian ngắn. 

Chỉ cần tỷ lệ sở hữu 49% với các doanh nghiệp và 30% với các ngân hàng, khối nhà đầu tư ngoại bằng nguồn vốn lớn và sự hiểu biết thị trường của mình đã dẫn dắt thị trường và nhiều phen khiến nhà đầu tư trong nước lao đao. Nếu tỷ lệ này được nâng cao hơn nữa, nhà đầu tư ngoại còn có thể tha hồ "làm mưa làm gió" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng theo nhà đầu tư trên, hiện chỉ có 20 mã trong tổng số 154 mã tại Hose đã hết room hoặc còn room dưới 5%. Rất nhiều cổ phiếu còn room mà nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngó ngàng đến. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ mua các cổ phiếu thanh khoản cao. Nếu kịch bản mở room diễn ra, các cổ phiếu lớn, thanh khoản cao sẽ lại nhanh chóng được lấp đầy room. Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn không nhận được gì hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng nắm giữ cổ phiếu để đầu tư dài hạn. Một khi những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất đã hết room, việc giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam mất tính thanh khoản.

Việc mở room có thể mang lại xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng sức mạnh nội tại của nền kinh tế mới có tiếng nói quyết định với sự phát triển của thị trường. Theo nhà đầu tư trên, xu hướng tăng ngắn hạn trên thị trường sẽ không thể "cưỡng" lại tình hình chung của nền kinh tế. Hơn nữa, so sánh với các thị trường chứng khoán phát triển hơn VN, tỷ lệ 49% là rất "thoáng", thậm chí cao hơn phần lớn các thị trường trong khu vực. Tại Trung Quốc tỷ lệ này chỉ là 10%.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9991
Số người truy cập:
9253698