Lời cảnh báo về nguy cơ xảy ra biểu tình trong đêm chung kết được các tổ chức phụ nữ Anh như London Feminist và UK Feminista đưa ra trước ngày 6/11. Quả thực, khoảng 200 người, trong đó có khá nhiều bà lão, đã kéo đến Trung tâm triển lãm Earls Court, London cùng băng rôn, khẩu hiệu tẩy chay cuộc thi. Đặc biệt, đoàn biểu tình có sự tham gia của 7 người từng góp mặt trong làn sóng phản đối cuộc thi Miss World ở London hơn 40 năm về trước (1970). Jo Robinson (70 tuổi) là một trong số 7 người đó.
Khẩu hiệu của cuộc biểu tình năm 1970 (ảnh trên) được sử dụng lại cho cuộc biểu tình năm 2011 (ảnh dưới). Ảnh: Independent. |
Những người chống đối cho rằng, một cuộc thi hạ thấp nhân phẩm phụ nữ như Miss World không đáng tồn tại trong một xã hội văn minh như ở London, Anh.
"Bạn nghĩ là sau 40 năm, mọi thứ sẽ thay đổi à?”, Jo Robinson nói với phóng viên Independent, trong khi những người bạn của bà đang gào lên với một đám đông ăn mặc lộng lẫy tiến vào khán phòng Earls Court rằng: “Thật xấu hổ cho mấy người”.
Robinson nói tiếp: “Hãy nhìn xem. Xã hội này mong chờ gì được ở những cô gái trẻ. Áp lực phải xinh đẹp đè nặng lên bản thân họ. Tôi cũng trang điểm, tôi cũng muốn mình trông xinh đẹp, nhưng tại sao cứ phải đến những cuộc thi như thế để người ta 'soi xét' mình từng tý chút?".
Bà Sue Finch - một người biểu tình khác - cho biết, bà rất “tức tối, giận dữ, thất vọng và cảm thấy bị xúc phạm” khi Miss World vẫn tiếp tục diễn ra mà lại còn được tổ chức tại London - nơi 40 năm trước, bà cùng những người bạn đã kịch liệt phản đối.
"Chúng tôi nghĩ là mình đã ngăn chặn được nó. Nhưng sự thực thì chưa. Miss World đã trở lại và còn tệ hơn 40 năm trước. Ngành công nghiệp kinh doanh sắc đẹp ngày một phát triển và đã xâm lấn khắp nơi mọi chốn”, Finch nói.
Tân Hoa hậu Ivian Sarcos khóc khi đăng quang Miss World 2011. Ảnh: MW. |
Trước thái độ quá khích của đoàn biểu tình, cảnh sát đã bắt giữ vài người trong số họ, trong đó có Jo Robinson. Nhưng sau khi được thả, Robinson tiếp tục khuấy đảo bên ngoài câu lạc bộ đêm - nơi các thí sinh tổ chức tiệc mừng đêm đăng quang. Bà ném bom cay từ bên ngoài vào và lại bị bắt. Robinson sẽ bị tạm giam trước khi hầu tòa vào thời gian tới. Cảnh sát phạt mỗi người biểu tình 100 bảng Anh nhưng số tiền này được Hiệp hội Women's Liberation Network chi trả.
Ngoài lực lượng phụ lão dày dạn kinh nghiệm biểu tình chống Miss World, đám đông còn có sự tham gia của những phụ nữ trung niên.
"Các vị đừng có mà vải thưa che mắt thánh. Những cô gái này sống và lớn lên trong một xã hội mà khiêu dâm cũng được coi là một bộ phận của văn hóa chính thống. Các cuộc thi như thế này là phần nổi của nó”, Rebecca Mordan - thành viên tổ chức vụ biểu tình - nói.
"Các cuộc thi sắc đẹp như Miss World không đáng có chỗ trong một xã hội văn minh như Anh”, Kat Banyard - thành viên sáng lập UK Feminista khẳng định.
Banyard chia sẻ thêm, Miss World đưa ra cách nhìn nhận phụ nữ dựa trên vẻ ngoài của họ. Và đó là điều không thể chấp nhận được ở một xã hội bình đẳng giới.
Vẻ đẹp của Ivian Sarcos. Những người biểu tình cho rằng, Miss World hạ thấp phụ nữ qua việc đánh giá bề ngoài của họ. Ảnh: MW. |
Trong khi đó, nhiều người đẹp bày tỏ thái độ bênh vực các cuộc thi nhan sắc.
"Chúng tôi tham gia thi sắc đẹp với tinh thần tự nguyện. Chúng tôi muốn góp mặt vào cuộc thi - nơi có thể tìm thấy tình bạn và là cơ hội để xây dựng lòng tự tin vào bản thân. Chúng tôi cũng học được cách thể hiện bản thân trước đám đông, cách hòa mình vào cộng đồng. Chúng tôi cũng quyên tiền cho các hoạt động từ thiện. Không thể nói là chúng tôi chẳng làm được việc gì ra hồn”, Clara Belle, thí sinh vào chung kết Miss England 2010, phát biểu.
Violet Ramodike và Maud Kgomo - hai người chị gái bay từ quê hương sang London để ủng hộ Hoa hậu Nam Phi Bokang Montjane (người lọt vào top 7) - cũng bày tỏ thái độ bất đồng với những người chống đối.
Họ cho biết, em gái họ đã xây một thư viện ở địa phương nhằm giúp học sinh có thêm sách để đọc. “Con bé rất xinh đẹp, thông minh và tự tin”, họ nói.
Angie Beasley, Chủ tịch cuộc thi Miss England, phản ứng mạnh mẽ hơn. Cô nói: “Tất nhiên, họ phải đẹp mới có thể giành chiến thắng. Nhưng các cuộc thi sắc đẹp không chỉ có duy nhất sắc đẹp. Mọi người cần khuyến khích nó thay vì chỉ nghĩ đến những màn biểu diễn bikini. Tôi đã chán ngấy những cuộc biểu tình kiểu này. Những thí sinh Miss World đủ trưởng thành để tự quyết định về lựa chọn của mình. Nếu ai đó không thích, hãy đừng xem”.
Năm 1970, khi tổ chức tại Anh, Miss World từng vấp phải nhiều cuộc biểu tình dữ dội. Trong đêm chung kết, khi danh hài Bob Hope bước ra sân khấu ở đại sảnh Royal Albert tại London (Anh) để dẫn chương trình, ông đã bị những người biểu tình ném bột mì vào mặt.