|
Một chiếc Boeing 747 của British Airways năm 1982. Ảnh: Jet Photos |
Theo các chuyên gia trong ngành hàng không, mối nguy hiểm lớn nhất của tro bụi núi lửa đối với máy bay chính là tác động của nó tới động cơ chứ không phải việc làm giảm tầm nhìn. Những hạt tro bụi có thể tan chảy hoặc đốt cháy khi lọt vào động cơ máy bay khiến cỗ máy hiện đại này bốc cháy, dẫn đến việc ngừng hoạt động khi phi cơ đang trên không.
Theo US Geological Survey, tro bụi núi lửa có thể lấp kín các ống dẫn nhiên liệu hay ăn mòn nghiêm trọng những bộ phận chuyển động như cánh quạt. Vấn đề ở chỗ trong khi hệ thống radar thời tiết của máy bay có thể phát hiện hầu hết các hiện tượng thời tiết, nhưng chúng lại không thể cảnh báo về những tinh thể có khả năng gây ra thảm hoạ như tro bụi núi lửa.
Do đó sau vụ phun trào của hai núi lửa Redoubt và Spurr ở Alaska trong giai đoạn 1989-1990 và năm 1992, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã có hành động nhằm cải thiện khả năng cảnh báo hiểm hoạ của tro bụi núi lửa cho máy bay để phòng tránh. Điều này mở đường cho sự ra đời của mạng toàn cầu mang tên Trung tâm tư vấn tro bụi núi lửa (VAACs) có chức năng theo dõi tác động của các vụ phun trào núi lửa trên khắp thế giới và đưa ra các tư vấn cho ngành công nghiệp hàng không.
Ngày nay các hãng hàng không, cơ quan kiểm soát không lưu và những cơ quan khí tượng quốc gia trên khắp thế giới đã có khả năng tốt hơn trong việc ngăn chặn máy bay đi vào vùng ảnh hưởng của tro bụi núi lửa. Tuy nhiên vẫn có những sự cố nghiêm trọng liên quan đến cơn ác mộng này trong vòng 30 năm qua.
Chuyến bay của British Airway năm 1982
|
Cơ trưởng Eric Moody trên chuyến bay của British Airways năm 1982 sau đó được trao huân chương. Ảnh: PA |
Chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Anh British Airways đang thực hiện đường bay từ Kuala Lumpur, Malaysia tới thành phố Perth, Australia ngày 24/6/1982 thì gặp phải đám mây tro bụi núi lửa cách thủ đô Jakarta của Indonesia 240 km về phía đông nam. Đám mây nguy hiểm này xuất phát từ vụ phun trào của ngọn hoả diệm sơn Galunggung trên đảo Java.
Khi đó chiếc Boeing 747 đang bay ổn định ở độ cao 11.300 mét thì phi hành đoàn nhận thấy hiện tượng trong chuyên môn gọi là St Elmo's fire, xảy ra khi các tinh thể từ đám mây tro bụi va chạm với máy bay gây ra hiện tượng phát sáng như đám cháy tại nhiều điểm quanh máy bay. Đây là lần đầu tiên họ gặp phải hiện tượng này khi máy bay đi vào vùng mây tro bụi.
Ngay sau đó, tất cả 4 động cơ của chiếc Boeing 747 đồng loạt ngưng hoạt động, khiến máy bay rơi vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm khi nó rơi tự do không lực đẩy trong suốt 4 phút ngay phía trên vùng đồi núi hiểm trở. Mãi đến khi máy bay hạ xuống độ cao 3.650 mét thì phi hành đoàn mới có thể khởi động lại 4 động cơ của máy bay. Nhưng trước khi hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống Jakarta, một trong bốn động cơ này đã bị tê liệt.
Sự cố này kết thúc có hậu khi không có ai bị thương, nhưng chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới khi đó do Boeing chế tạo đã chứng kiến sự tàn phá ghê gớm của các hạt tro bụi núi lửa, đặc biệt là 4 động cơ. Phi hành đoàn sau đó đã được trao tặng một số huân chương vinh danh lòng dũng cảm và khả năng xử trí tình huống của họ.
Chuyến bay của KLM năm 1989
Một chiếc 747-400 khác của hãng hàng không Hà Lan KLM đang bay tới thành phố Anchorage, bang Alaska của Mỹ, trên độ cao 7.600 mét ngày 15/12/1989 trong điều kiện được cho là bình thường. Bản thân đây cũng là chiếc máy bay mới khai thác được 3 tháng nên dường như không có gì đe doạ đến an toàn bay, trừ việc nó đã lọt vào một đám mây tro bụi từ núi lửa Redoubt của Alaska phun lên.
Nhưng chỉ 15 giây sau khi phi hành đoàn có can thiệp để đưa máy bay vượt lên trên đám mây nguy hiểm, toàn bộ 4 động cơ của nó đột ngột ngừng hoạt động cùng với sự tê liệt của hệ thống điện tử trên máy bay. Máy bay hạ độ cao trong tình trạng rơi tự do trong ít phút và lần lượt phi công khởi động được lại các động cơ để hạ cánh an toàn xuống sân bay Anchorage.
Cũng như chiếc Boeing 747 của hãng British Airways trước đó, chiếc máy bay của KLM đã bị hư hại nghiêm trọng do tro bụi núi lửa, đặc biệt là phần kính chắn gió trong buồng lái và các thiết bị bên trong như hệ thống quản lý bay và thiết bị định vị. Cuộc điều tra sau đó kết luận việc thiếu thông tin về đám mây tro bụi là nhân tố gây ra sự cố trên.
|
Máy bay nghiên cứu Douglas DC-8 của NASA. Ảnh: Whiteoaks |
Chuyến bay của NASA năm 2000
Tháng 2/2000, một chiếc máy bay phục vụ nghiên cứu Douglas DC-8 của Cơ quan không gian Mỹ (NASA) bay lọt vào đám mây tro bụi phun lên từ núi lửa Hekla ở Iceland. Phi hành đoàn đã được cảnh báo trước về đám mây này, nhưng việc dự đoán vị trí của nó không chính xác khiến máy bay không kịp tránh.
Nhưng không giống như những vụ đụng đầu với tro bụi núi lửa trước đó, chiếc DC-8 của NASA đã không xảy ra hiện tượng toé lửa St Elmo's fire và các động cơ máy bay vẫn hoạt động bình thường. Sau khi hạ cánh xuống miền bắc Thụy Điển, các động cơ trên máy bay này đã được thay mới vì các chuyên gia tìm thấy những tác động của tro bụi đối với các động cơ cũ.
Những sự cố khác
Theo thống kê của US Geological Survey, có ít nhất 102 vụ máy bay va chạm với đám mây tro bụi núi lửa trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 2003. Trong khi đó hiểm hoạ chắc chắn gia tăng khi máy bay đi vào khu vực hoạt động của núi lửa. Bằng chứng là các nghiên cứu cho thấy tro bụi từ núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991 đã gây ra 20 sự cố liên quan đến máy bay, trong đó một hãng hàng không Mỹ đã bị kẹt phi cơ của mình tại Manila trong suốt nhiều ngày.
Năm 2007, khi núi lửa Popocatepetl ở Mexico phun trào nó cũng gây ra sự rối loạn nhỏ đối với các chuyến bay tại đây. Trong đó phi hành đoàn một chuyến bay báo cáo tình trạng tầm nhìn bị giảm đột ngột, khiến họ không nhìn thấy gì từ tấm kính chắn gió phía trước và phải quan sát từ các tấm kính ở cạnh bên buồng lái để điều khiển máy bay.
Đình Nguyễn