Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng lại có ngày hôm nay khi tôi phải viết những dòng đau xót này về một người bạn thân thương vừa ra đi: Nhà quay phim, đạo diễn, NSƯT Trương Minh Phúc khi anh mới 48 tuổi!
Trương Minh Phúc (thứ 3 từ trái sang) trong một chuyến đi làm phim tài liệu của Hãng phim TFS. Ảnh: C.T.V
Với tất cả những ai biết Trương Minh Phúc, cái kết cục hôm nay quá bất ngờ. Bởi cách đây một năm, Phúc từng bệnh liệt giường nhưng anh đã vượt qua “khúc cua gắt” ấy thật ngoạn mục. Thế mà hôm nay, khi mọi người thấy Phúc đang hào hứng trở lại với cuộc đời cùng bao nhiêu dự định mới mẻ cho tương lai thì lại chính là lúc anh đột ngột ra đi.
“Con người đặc biệt”
Trưa 3-12, Phúc còn gọi điện hỏi tôi: “Đã đi viếng ông thân sinh của Lê Tuấn Anh chưa?”, tôi nói : “Vừa đi sáng nay ở chùa Vĩnh Nghiêm rồi”. Anh khen: “Thế thì tốt!” rồi cúp máy vì biết tôi đang họp.
Nhưng đến buổi tối, tôi sững sờ khi nhận được tin Phúc vừa bị đột quỵ lúc 15 giờ cùng ngày và đang được cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, có vẻ nặng lắm. Tôi chỉ còn biết nôn nao đợi đến sáng để vào viện thăm Phúc.
Nhưng cái “buổi sáng” chờ đợi ấy không bao giờ đến nữa vì tôi đã được đánh thức bằng một tin nhắn ngắn ngủi song thật khủng khiếp từ một người bạn: “Phúc đã mất lúc 23 giờ, quàn ở Hóc Môn!” (tức nhà của ba má Phúc).
Tôi đã ngồi lặng đi không biết bao lâu bởi choáng váng vì cái khoảng trống vô tận vừa mới sụp xuống ở đâu đó mà tôi không biết nữa...
Đã 20 năm biết Phúc, từ cái ngày tôi về đầu quân ở Đài Truyền hình TPHCM. Hồi ấy, sau 3 tháng “học đủ thứ”, tôi tốt nghiệp “quay phim” với nhiệm vụ “ khởi động” là vác chân máy. Và số phận đã mỉm cười khi ngay từ đầu, tôi đã được “vác chân” cho những tên tuổi quay phim “có số” của đài như: Đồng Anh Quốc, Trương Minh Phúc.
Phúc thua tôi một tuổi nhưng khi ấy anh đã có “thâm niên” cầm máy đến mười mấy năm rồi. Mà thời của Phúc là cầm máy quay phim nhựa 16 ly hẳn hoi chứ không phải chỉ là máy quay video như bây giờ.
Tôi vẫn thường tự hỏi mình rằng “khám phá lớn nhất khi bước chân vào nghề quay phim là gì?”. Vâng , mãi sau này tôi mới ngạc nhiên nhận ra rằng khám phá lớn nhất của tôi không phải là về “nghề” mà lại là về “người”. Có không ít “người” như thế, mà “con người của Phúc” thì lại quá đặc biệt với tôi.
Vinh danh cho HTV và hãng TFS
Dường như Phúc sinh ra “chỉ để làm truyền hình”. Học hết phổ thông, Phúc học trung cấp quay phim rồi về đài làm luôn cho đến ngày cuối cùng. Cuộc đời anh không biết đến cơ quan thứ 2 nào ngoài Đài Truyền hình TPHCM.
Tận tâm và yêu nghề với tất cả sự nhạy cảm bẩm sinh về hình ảnh, những thước phim Phúc quay đẹp lung linh và mượt mà, nó không giống cái ngoại hình có phần “quá tròn” của anh mà bạn bè vẫn thân mật gọi là “Phúc Địa”.
Hơn 30 năm cầm máy, cùng với những đạo diễn đầu đàn như cố NSND Phạm Khắc, NSƯT Mỹ Hà, NSƯT Lê Cung Bắc..., Phúc đã vinh danh cho HTV và Hãng phim TFS trong lòng khán giả cả nước bằng hàng loạt tác phẩm “nặng ký”, từ những phim truyện: Giữa dòng, Người đẹp Tây Đô, Cõi tình, Xóm nước đen... đến các phim tài liệu: Thời gian vĩnh cửu, Cúng trăng, Ký ức Điện Biên, Khi đàn sếu trở về...
Tôi có may mắn không chỉ được làm việc cùng Phúc mà còn chia sẻ với anh đến 4 năm “sinh viên già vượt khó” ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Phúc rất ham học và học rất nghiêm túc. Anh giải thích với tôi: “Hồi xưa nghèo quá, lo cày hoài kiếm ăn, lúc ấy đâu có bụng nào nghĩ đến chuyện học”.
Nhưng khi tốt nghiệp đạo diễn rồi thì Phúc lại chưa có dịp để “hành” vì anh được giao công việc quản lý. Mãi đến trước ngày mất, khi đã có vẻ rảnh rang, Phúc nói anh muốn trở về làm đạo diễn phim truyện, rồi còn tính mỗi năm sẽ làm bao nhiêu tập... Tôi nghe và chưa kịp mừng cho sự “trở lại” của anh, thì hỡi ơi !
Với Phúc, sẽ chẳng còn bộ phim nào chờ đợi ở phía trước nữa. Trước mặt anh giờ chỉ là mênh mông... Xin vĩnh biệt anh!
Cái tình trong anh
Khó mà nhớ hết những giải thưởng nghề nghiệp của Phúc nhưng điều mà không ai có thể quên khi nhắc đến anh chính là “cái tình”. Anh có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì, bất cứ lúc nào một khi bạn đã gọi, đã nhờ. Có lẽ vì thế nên ngoài công việc bận rộn quanh năm ở các đoàn phim, Phúc còn rất ít thời gian dành cho vợ con.
Và Hường, vợ của anh, luôn làm tất cả để Phúc được sống theo cái cách mà anh cho là “được!”. Nói đến Phúc, anh còn nổi tiếng ở cái “năng lượng cười” của mình ! Với óc khôi hài rặt Nam Bộ và chẳng bao giờ có ác ý, ở đâu anh cũng có thể mang lại nụ cười cho mọi người. Phúc thường nói: “Nghề này cực lắm, giỡn cho quên mệt!”.
Vâng, Phúc đã đi qua cuộc đời này cùng những tiếng cười hồn nhiên. Ít có ai thấy Phúc buồn. Nhưng nhiều bạn bè biết, riêng đối với những người mà Phúc kính trọng, chỉ cần một nhận xét thiếu công bằng về anh, Phúc có thể khóc thật ngon lành.
|