Lời mời gặp Trump gây sốc của Kim Jong-un

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: WSJ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh:WSJ.

Nhà Trắng hôm nay cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp vẫn đang được xem xét. Giới phân tích thế giới tỏ ra bất ngờ, thậm chí là bị sốc trước thông báo về cuộc gặp lịch sử này, theo NPR.

Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ - Hàn Johns Hopkins, người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên dưới thời chính quyền Clinton, cho biết ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này, dù trước đó đã có đồn đoán rằng sẽ có một cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức Washington và Bình Nhưỡng.

"Tôi từng nghĩ rằng sẽ chỉ có cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên mà thôi. Đây đúng là một thông tin gây sốc", Wit nói khi trả lời phỏng vấn NPR.

Bình luận viên Jeremy Diamond của CNN cũng gọi lời mời của Kim Jong-un là "tuyên bố gây choáng váng" và cho rằng đây là kết quả của "cơn lốc ngoại giao" bắt đầu bằng việc Bình Nhưỡng cử đoàn vận động viên tham gia Olympic tại Hàn Quốc. Diamond cũng đánh giá rằng việc ông Trump chấp nhận lời mời là một bước đột phá đáng kể, dù kết quả của sự kiện này vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Theo Wit, sự kiện là dấu hiệu cho thấy đang có sự chuyển biến lớn trong tính toán chiến lược của Triều Tiên, từ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sang chính sách ngoại giao, điều đã được họ thể hiện rất rõ ràng với Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Mùa đông vừa qua. "Tôi cho rằng thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến những sự kiện lớn có liên quan tới Mỹ".

Trước ý kiến cho rằng những lời đe dọa sử dụng "lửa và thịnh nộ" của chính quyền Trump đã có tác dụng trong việc buộc Bình Nhưỡng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, chuyên gia này nhận định đó có thể là một yếu tố, nhưng điều quan trọng hơn là Triều Tiên dường như nhận thấy chương trình hạt nhân, tên lửa của họ đã đạt tới điểm cực đại.

"Triều Tiên có thể đã hoàn thành việc phát triển đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nên họ quyết định rằng đã đến lúc phải chú trọng vào phát triển kinh tế. Để thúc đẩy kinh tế, họ phải đảm bảo được môi trường an ninh từ bên ngoài", ông nói.

Wit nhận định việc cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim diễn ra ở đâu sẽ là điều rất được chú ý, nhưng nhiều khả năng nó sẽ không được tổ chức trên đất Mỹ hay Hàn Quốc.

"Tôi cho rằng cuộc gặp giữa ông Trump và Kim Jong-un sẽ diễn ra trên lãnh thổ Triều Tiên hoặc ở khu phi quân sự nằm giữa biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên, bởi trong thời điểm này, ông Kim nhiều khả năng không muốn rời khỏi đất nước", Wit nhấn mạnh.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong, người chuyển lời mời của ông Kim tới ông Trump, cho biết cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể được tổ chức vào tháng 5. Triều Tiên cũng cam kết sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong quá trình tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo.

Ông Chung Eui-yong thông báo về lời mời của ông Kim Jong-un tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Ông Chung Eui-yong thông báo về lời mời của ông Kim Jong-un tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP.

Một số quan chức cấp cao Mỹ tỏ ra lo ngại rằng trong cuộc gặp Trump – Kim, Triều Tiên có thể đưa ra một số điều kiện như Mỹ phải rút lực lượng quân sự đồn trú ở Hàn Quốc hoặc Bình Nhưỡng có thể thực hiện một số biện pháp nhằm làm suy yếu liên minh quân sự giữa Washington với Seoul.

Trong lịch sử, các lãnh đạo Triều Tiên chưa từng gặp một tổng thống Mỹ đương chức nào, dù ông Kim Nhật Thành và Kim Jong-il đã có các cuộc tiếp xúc với Jimmy Carter và Bill Clinton sau khi họ rời Nhà Trắng, theo WSJ.

Giới quan sát cho rằng cuộc gặp Trump – Kim nếu diễn ra sẽ là một bước ngoặt lạ lùng trong mối quan hệ từng chứng kiến những nỗ lực ngoại giao thất bại lẫn những lời đe dọa sử dụng vũ lực giữa Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt là dưới thời ông Trump.

Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Trump từng gây lo ngại về một cuộc chiến lớn khi tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" nếu họ tìm cách tấn công nước Mỹ, đồng thời gọi ông Kim là "người tên lửa đang tìm kiếm nhiệm vụ tự sát". Nhưng đến tháng 1, ông lại cho biết sẵn sàng đối thoại với ông Kim nếu Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Tôi luôn tin vào đối thoại", ông nói.

Trước ông Trump, hai đời tổng thống Mỹ cũng đã từng tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp ngoại giao nhưng đều thất bại.

Nỗ lực đầu tiên diễn ra vào năm 1994 dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, khi hai bên cam kết sẽ thay thế các nhà máy điện hạt nhân của Bình Nhưỡng bằng lò phản ứng nước nhẹ, đồng thời dần dần bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù.

Tuy nhiên, thỏa thuận rất được trông đợi này sụp đổ và cuối cùng bị hủy bỏ vào năm 2003, dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, khi Mỹ cho rằng Triều Tiên "gian dối" về một chương trình làm giàu urani bí mật. Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Washington không theo đuổi đến cùng nỗ lực đối thoại.

Khi đắc cử nhiệm kỳ hai, ông Bush cử đại sứ Christopher R. Hill tham gia đàm phán 6 bên để thuyết phục Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân. Cuộc đàm phán đạt bước ngoặt vào năm 2007, khi Triều Tiên một lần nữa cam kết sẽ ngừng chương trình. Hai năm sau, đàm phán đổ vỡ khi Mỹ lên án vụ phóng vệ tinh, sau khi Bình Nhưỡng rút khỏi thỏa thuận.

Wit cho rằng dù rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ về lời mời của Triều Tiên, đây có thể là một bước ngoặt mang tính lịch sử chấm dứt 60 năm thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng, nên chính quyền Trump sẽ phải tận dụng hết sức cơ hội hiếm hoi này.

Ông Trump cũng bày tỏ trên Twitter rằng ông tin mình đang chứng kiến "tiến bộ lớn" từ phía Triều Tiên khi Kim Jong-un nói về phi hạt nhân hóa, chứ không phải là ngừng thử hạt nhân, với đại diện Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng khẳng định các lệnh trừng phạt vẫn sẽ được duy trì cho đến khi các bên đạt được thỏa thuận.

Trí Dũng


Giày Đại Phát solution
Số người online:
25383
Số người truy cập:
7646614