Bình quân giá thành phẩm xăng dầu trong 15 ngày gần đây là 90,63 USD/thùng xăng RON 92, 96,89 USD/thùng dầu diesel. Diễn biến này khiến giá bán lẻ trong nước với xăng E5 RON 92 leo lên mốc cao kỷ lục trong 2 năm 2017-2018, đạt 20.906 đồng/lít.
Các chỉ tiêu quan trọng năm 2018 như tăng trưởng, lạm phát… được Quốc hội thông qua theo kịch bản giá dầu thô 50 USD/thùng và giá dầu thành phẩm khoảng 60 USD/thùng. Diễn biến giá dầu tăng mạnh như trên không thể không tác động đến nền kinh tế.
Về mặt tích cực, giá dầu tăng chắc chắn làm tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua việc bán dầu thô. Tuy nhiên, lợi ích từ bán dầu thô với nền kinh tế vào thời điểm này không còn nhiều như thời trước năm 2014 bởi Chính phủ đã tính đến các phương án tăng trưởng bền vững không phụ thuộc giá dầu. Thực tế, sản lượng dầu thô khai thác được ngày càng giảm sút, từ 17,23 triệu tấn năm 2016 giảm còn 15,52 triệu tấn năm 2017.
Thu lợi từ giá dầu chưa biết sẽ đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế thì nguy cơ lớn trước mắt là từ nay đến đầu năm 2019, giá xăng và dầu bán lẻ có thể tăng phi mã. Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, tác động đáng ngại nhất là sẽ gây áp lực tăng giá bán lẻ trong nước, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh, uy hiếp chỉ số lạm phát của nền kinh tế, làm thu nhập thực tế của người dân giảm sút.
"Trong bối cảnh USD tăng giá, nhân dân tệ giảm giá, thuế môi trường với xăng tăng từ ngày 1-1-2019, giá dầu tăng sẽ bồi thêm nhiều tầng thách thức với nền kinh tế" - ông Doanh chỉ ra thực trạng và kiến nghị lùi thời điểm tăng thuế môi trường với xăng dầu.
Đánh giá CPI vẫn trong tầm kiểm soát 4% như mục tiêu Quốc hội phê duyệt, TS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính, phân tích lạm phát mục tiêu dưới 4% trong khi sau 9 tháng đạt 3,57%. Dư địa tăng lạm phát chia đều cho 3 tháng cuối năm còn tương đối nhiều. Tuy nhiên, giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người dân, đẩy chi tiêu lên và áp lực kiểm soát lạm phát sẽ chuyển qua năm 2019.
Giá xăng tăng đẩy giá hàng hóa, dịch vụ leo thang. Ảnh: TẤN THẠNH |
Giới chuyên gia cho rằng mức 100 USD mỗi thùng dầu là rất lớn, thể hiện tác động khó lường, nhất là sau thời gian dài điều hành nền kinh tế không còn tính đến giá dầu cao. Do đó, cần linh hoạt giữa mục tiêu bảo đảm ngân sách và tăng trưởng với ổn định giá cả tiêu dùng, đầu vào sản xuất, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Trên thực tế, chưa cần đợi đến khi giá xăng dầu tăng đỉnh điểm thì một số mặt hàng như thực phẩm, mỹ phẩm, bao bì… đã có đợt tăng giá do các chi phí đầu vào tăng như giá nhân công, nguyên liệu, tỉ giá trong thời gian qua. Sắp tới, có thể sẽ có làn sóng tăng giá mới do giá xăng dầu tăng cao.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết thời gian qua, công ty đã cố gắng giữ giá ổn định nhưng trong đợt đàm phán giá hàng Tết sắp tới có thể phải điều chỉnh tăng. "Giá xăng dầu liên tục tăng không chỉ tác động đến chi phí vận chuyển hàng hóa mà các yếu tố đầu vào khác đều tăng. Thông tin tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1-1-2019 cũng khiến các nhà sản xuất lo lắng vì giá đã được chốt cả mùa Tết, doanh nghiệp chỉ có thể xin điều chỉnh vào đầu tháng 3-2019. Tuy vậy, công ty phải cân nhắc mức tăng hợp lý vì giá tăng luôn đi kèm với sức mua giảm" - bà Lâm phân tích.
Sau 7 năm giữ giá ổn định, Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao) đã phải thông báo tăng giá 10% từ ngày 5-9 vừa qua. Theo ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Thorakao, hiện công ty chưa đánh giá được sự ảnh hưởng đến thị trường do mỹ phẩm có hạn sử dụng dài, lượng hàng tồn vẫn còn nên không phải điểm bán lẻ nào cũng tăng giá. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải bán giá cũ cho một số khách sỉ để giữ thị trường" - ông Trân cho biết.
Thuỳ Dương - Vương Ngọc
Người Lao động