Lính biên phòng Bangladesh nổi loạn tại thủ đô

Binh sĩ thuộc lực lượng biên phòng Bangladesh. (Ảnh: AFP)

Ít nhất 1 người bị giết, 8 người bị thương, nguồn tin y tế cho biết, khi cảnh sát và quân chính quy bao vây trụ sở chính của lực lượng Bangladesh Rifles (BDR).

"Đã có một cuộc đấu súng lớn tại trụ sở chính của BDR lúc sáng nay. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ", cảnh sát trưởng địa phương Nabojit Khisa nói. "Tiếng súng vẫn vang lên. Chúng tôi không được phép vào đó".

Hiện thời, có thể thấy khói bốc lên từ khu nhà và lực lượng an ninh đang phong toả khu vực.

"Quân đội đã được triệu tập. Họ đã bắt đầu tiến vào khu vực", Đại tá Rezaur Rahman, đội phó lực lượng an ninh tinh nhuệ nội bộ - Tiểu đoàn hành động nhanh (RAB) của Bangladesh cho hay. "Các sĩ quan của RAB đã bao vây toàn bộ khu vực nhưng chúng tôi vẫn chưa tiến vào. Vẫn có tiếng súng ở bên trong".

Các nguồn tin chính thức cho hay, cuộc binh biến xảy ra trùng thời điểm với cuộc họp giữa các sĩ quan cao cấp BDR tại trụ sở chính của lực lượng này tại khu Pilkhana, Dhaka. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh, cuộc nổi dậy xuất phát từ một vấn đề trong nội bộ lực lượng an ninh chứ không phải đảo chính.

"Có vẻ như đó là cuộc binh biến của quân bán quân sự chống lại các sĩ quan quân đội chính quy", một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang nói.

Trong thông báo đưa ra, quân đội Bangladesh kêu gọi quân BDR "nộp vũ khí và quay lại doanh trại". "Thủ tướng đáng kính sẽ đích thân nói chuyện với các vị về những yêu cầu. Bất cứ binh sĩ nào từ chối nộp súng sau thông báo này sẽ bị xét xử".

Y tá thuộc bệnh viện trường Y Dhaka là Khademul Islam nói, "ít nhất 4 người, gồm 1 binh sĩ của BDR đã nhập viện với vết thương bị đạn bắn. Hai người trong số đó bị thương ở ngực".

Kể từ khi độc lập khỏi Pakistan năm 1971, Bangladesh chứng kiến nhiều cuộc đảo chính và chống đảo chính. Quốc gia nghèo này nằm dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài quân sự Hussain Mohammad Ershad từ 1982 tới 1990, trước khi dân chủ được khôi phục vào 1991.

Tới tháng 1/2007, quân đội lại lên nắm quyền, huỷ bỏ bầu cử, tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau nhiều tháng bất ổn chính trị. Dân chủ được khôi phục tại đây cùng với cuộc bầu cử tháng 12/2008.

(Theo AP, AFP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
14487
Số người truy cập:
9260156