Lẽ ra phải nâng lãi suất cơ bản từ cuối năm 2007

- Ông bình luận thế nào về việc Ngân hàng nhà nước nâng lãi suất cơ bản từ 8,75% lên 12%?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nâng lãi suất cơ bản. Đáng lẽ cuối năm ngoái khi lãi suất dâng lên, Ngân hàng nhà nước phải điều chỉnh ngay lãi suất cơ bản, bỏ lãi suất trần huy động thì sẽ không làm vón cục, tê liệt thị trường. Vừa qua mình quy định lãi suất trần khống chế làm ngân hàng thương mại không huy động được vốn, dân không gửi, doanh nghiệp không có vốn vay, nền kinh tế bị khựng lại. Mặt khác, tiếp tục để lãi suất cơ bản hơn 8%, trong khi lãi suất cho vay lên tới 19%, vượt 200-250%, thì Ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại đều phạm luật.

- Ông nhìn nhận thế nào trước ý kiến cho rằng ban hành lãi suất cơ bản có nghĩa là chưa tự do hóa lãi suất, đi ngược lại chủ trương của Đảng?

- Trong điều kiện hiện nay nếu không ban hành lãi suất cơ bản thì còn không có tự do hơn nhiều. Như vừa qua chúng ta quy định lãi suất trần, hệ quả là gây mất tự do cho các ngân hàng thương mại, mất tự do cho dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, biện pháp nâng lãi suất cơ bản là khả dĩ nhất, có khả năng thực thi tốt và đảm bảo hài hòa các quyền lợi, tránh phạm luật.

- Nâng lãi suất cơ bản đến 12% thì tương tự thời kỳ năm 1987-1988, khi ông làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Áp dụng biện pháp cũ này trong tình hình mới thì có còn hợp lý?

- Nguyên tắc thị trường và những hoạt động tiền tệ có quy luật của nó. Khi lạm phát thì phải rút tiền về rất nhanh và kèm theo đó phải nâng lãi suất. Khi lạm phát cao, muốn thực hiện lãi suất dương thì phải nâng lãi suất tiền gửi. Đó là con đường tất yếu, giống như ta đói thì phải ăn cơm.

- Là Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông đánh giá thế nào về tác động của việc nâng lãi suất cơ bản tới các doanh nghiệp?

- Lạm phát lên thì lãi suất phải lên, mọi người phải chịu, ngân hàng, doanh nghiệp và dân cũng phải chịu. Tất cả phải chấp nhận gồng lên chia sẻ trách nhiệm. Chỉ khi nào nền kinh tế ổn định, các giải pháp thành công, kéo lãi suất dần xuống thì mọi người đều được hưởng.

Về phía doanh nghiệp, cần tính toán một cách chặt chẽ, bỏ đi những gì khiếm khuyết, áp dụng ngay những gì có thể sinh lời hoặc có yếu tố cạnh tranh. Cụ thể là phải đổi mới công nghệ, có thể phải chuyển sản xuất mặt hàng khác, thậm chí phải teo lại để trụ vững, chờ thời cơ phát triển. Nhà nước về mặt vĩ mô khi cân đối cũng phải có chính sách hỗ trợ để một số mặt để doanh nghiệp có thể trụ vững.

- Thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ chịu tác động thế nào từ việc nâng lãi suất cơ bản?

- Nguồn vốn đổ vào bất động sản và chứng khoán là vốn tín dụng chiếm phần quan trọng. Khi lãi suất cơ bản lên thì hai thị trường kia phải gánh chịu rất lớn và rất khó khăn.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
17548
Số người truy cập:
8531712