Chiều 11/7, hàng nghìn người dân địa phương đổ về thôn Tây Giang đón thi hài chiến sĩ Đỗ Văn Năm về đất mẹ. Ảnh: Lê Hoàng. |
Chiều 11/7, hàng ngàn người dân Thăng Bình (Nông Cống, Thanh Hóa) nghỉ việc đồng áng đổ về triền đê thôn Tây Giang đón thi hài chiến sĩ Đỗ Văn Năm (31 tuổi) - một trong 18 nạn nhân hy sinh trong vụ rơi máy bay Mi 171 hôm 7/7.
Trời Thăng Bình sũng nước sau cơn mưa tầm tã. Hơn 17h30, chiếc xe chở linh cữu người chiến sĩ trẻ về đến quê. Vừa trông thấy đoàn xe tang xuất hiện phía đầu làng, nhiều người òa khóc gọi tên Năm. Bên linh cữu, vợ người lính trẻ ôm chặt đứa con thơ, chốc chốc lại quờ tay xoa lên di ảnh chồng khóc nức nở.
“Chồng ơi, anh hãy yên tâm ra đi, em sẽ không giận anh đâu. Em hứa sẽ nuôi dạy con trai nên người…”, chị Nguyễn Thị Thu Thường (30 tuổi) khóc nghẹn. Bé Đỗ Minh Châu mới lên 4 ngơ ngác ôm ghì cổ mẹ.
Ngay trong chiều tối, buổi lễ truy điệu đã được Bộ tư lệnh thủ đô tổ chức trong ngôi nhà cấp bốn gắn liền với tuổi thơ của anh Năm. Khi những dòng điếu văn được người thượng cấp xướng lên, hàng nghìn người có mặt đã rơi lệ.
Chị Nguyễn Thị Thu Thường ôm chặt con trai khóc nấc bên linh cữu chồng. Ảnh: Lê Hoàng. |
Anh Năm là con trai thứ ba trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha anh - ông Đỗ Văn Hùng (67 tuổi), từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Mẹ anh, bà Vũ Thị Trường (63 tuổi), nhiều năm làm cán bộ xã nay đã nghỉ hưu.
Thuở nhỏ, Năm đã được biết đến là chàng trai thông minh, ngoan hiền. Mặc dù học rất khá nhưng sau khi học hết lớp 12, anh quyết định nhập ngũ. Sau nhiều tháng huấn luyện trong quân ngũ, tháng 2/2001, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 18 Quân khu Thủ đô, thuộc Bộ Tư lệnh đặc công.
“Từ nhỏ, Năm đã nuôi ước mơ và ý chí trở thành lính đặc công chinh phục bầu trời, khám phá đại dương. Nó đã tròn 13 năm cống hiến trong quân ngũ”, ông Hùng tâm sự.
Năm 2009, anh Năm kết hôn với cô gái người dân tộc Tày ở Yên Bái. Sau ngày cưới, cả hai vợ chồng ở lại Hà Nội tạo lập cuộc sống mới và sinh được bé Châu.
Người cha kể, cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ Năm bị bệnh khớp nên thường xuyên phải sử dụng thuốc và không làm được việc nặng. Thương bố mẹ già yếu, mỗi lần được nghỉ, anh đều tranh thủ về quê thăm nom gia đình. “Công việc của người lính không cho phép nó nghỉ lâu. Lần nào nhà có việc, nó cũng tất bật về rồi lại đi rất sớm. Trước khi đi nó thường dặn, công việc không cho phép con điện thoại liên tục được nên bố mẹ đừng trông”, người cha kể.
Chỉ trong vòng một tháng, vợ chồng ông Hùng đón nhận hai nỗi mất mát lớn, Anh trai Năm cũng vừa đột ngột qua đời cách đây hơn 30 ngày. Dù gia đình liên tiếp chịu nhiều bất hạnh nhưng ông Hùng luôn tỏ ra mạnh mẽ và tự hào về những đứa con của mình.
“Nó không dặn thì tôi cũng hiểu. Lúc nào tôi cũng ủng hộ con. Đã là người lính thì phải chấp nhận hy sinh”, ông bảo. “Nghe tin em nó mất trong lúc làm nhiệm vụ, tôi bàng hoàng. Đau đớn lắm, thương tâm lắm, không biết nói sao cho hết nhưng rồi tôi cũng tự an ủi mình và động viên mọi người trong nhà nén đau thương. Sự hy sinh của con trai khiến người cha như tôi luôn tự hào”.
Người cựu binh cũng bộc bạch rằng, cho đến giờ phút này, ông vẫn không ân hận vì đã ủng hộ con đi theo nghiệp nhà binh, bảo vệ Tổ quốc.
Nước mắt rơi trên gương mặt đồng đội người chiến sĩ trẻ vừa nằm xuống. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống chia sẻ, sự hy sinh đường đột của chiến sĩ trẻ Đỗ Văn Năm để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhưng đó là niềm tự hào to lớn dành cho quê hương. “Các anh đã sống và cống hiến đến tận hơi thở cuối cùng. Tổ quốc và đất mẹ tự hào vì đã sinh ra anh”, ông Thuấn nói.
Theo kế hoạch, sáng 12/7, gia đình và chính quyền địa phương sẽ tổ chức lễ an táng chiến sĩ Đỗ Văn Năm tại nghĩa trang quê nhà.
Trước đó, sáng 7/7, chiếc trực thăng Mi 171 chở theo anh Năm cùng 20 người đã rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía tây. 18 người đã mất và 3 người bị thương nặng. Sau lễ truy điệu tại Hà Nội, linh cữu đặt thi thể anh Năm và đồng đội sẽ được đưa về an táng tại quê nhà.