Người nước ngoài sang Việt Nam làm tình nguyện

 Cô tìm được việc dạy tiếng Anh miễn phí, tuần 5 buổi, cho một trung tâm ở quận Bình Thạnh qua ứng dụng Worldpacker.

"Bạn bè tôi đã kể khá nhiều về sự thân thiện của người Việt Nam", cô gái Đức nói. Khi cô định nghỉ học một năm (gap year) để đi du lịch vòng quanh Đông Nam Á bố mẹ khuyên Mara nên đi làm tình nguyện để được hòa mình với cuộc sống của người bản địa và hiểu hơn về văn hóa nước khác.

Dù vậy, lúc bước vào lớp và đối diện với 30 học viên, Mara có vẫn lo âu, hồi hộp. Cô được phân công ngồi cùng nhóm 5 người để hội thoại theo chủ đề bài học. Mara giúp cô gái ngồi cạnh sửa một số lỗi sai về phát âm, hướng dẫn cả nhóm cách sắp xếp từ vựng, đặt câu để viết thành đoạn, mô tả một cảnh đẹp Việt Nam.

"Họ thân thiện và chúng tôi đã có những giờ học tuyệt vời", cô nói. "Tôi cũng đã học được nhiều thứ từ họ".

Các học viên giải đáp thắc mắc của cô về đời sống về đêm ở TP HCM. Họ giúp cô vượt qua cú sốc về giao thông giờ tan tầm, chỉ cô vài từ xin đường cơ bản.

"Đó là những điều tôi không bao giờ có được nếu chỉ đi du lịch", Mara nói.

Sam cùng trẻ em ở Sapa, Lào Cai, tháng 6/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai năm qua, cứ đến hè Sam Mittal, 34 tuổi, quốc tịch Anh lại đến Việt Nam. Năm 2019, anh có chuyến đi phượt từ Bắc vào Nam bằng xe máy với nhóm bạn 5 người. Khi qua TP Cần Thơ, anh được một hộ dân giúp đỡ sửa xe miễn phí và tặng túi xoài to. "Tôi ngạc nhiên bởi chưa bao giờ nhận được điều tương tự ở 51 quốc gia tôi từng đi qua", anh nói. "Tôi thấy người Việt giàu tình cảm".

Trong lần du lịch Sapa, Sam thấy những đứa trẻ miền núi có đời sống thiếu thốn. Bố mẹ chật vật với bữa ăn hàng ngày nên con cái gặp hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là với giáo viên tiếng Anh bản ngữ.

Hè 2022, anh kết hợp với một kiến trúc sư người Việt Nam đến làm tình nguyện ở bản Sín Chải (Lào Cai). Họ tập trung vài đứa trẻ độ tuổi 5-15 để dạy tiếng Anh. Lớp học của họ kéo dài 6 tuần, bắt đầu từ 8-10h và 17-19h hàng ngày, nhấn mạnh vào giao tiếp, phát âm, các câu cơ bản và cấu trúc câu.

Sáng, chàng trai người Anh chạy xe từ Sapa đến bản, chở theo bánh kẹo, sách vở dỗ học sinh đến lớp. Có em chưa biết từ tiếng Anh nào, có em đọc được vài câu cơ bản nên anh chia thành từng nhóm và kèm riêng. Sau vài ngày, lớp học của Sam đông dần, có người 20-30 tuổi cũng đến.

Ngày cuối cùng, vài thành viên trong lớp đã có thể giao tiếp cơ bản, Sam rời đi có chút an lòng. Mùa đông 2023, anh lại trở lại bản để tổ chức tiệc Giáng sinh cho bọn trẻ.

Mara và Sam là những thành viên của voluntourism - phòng trào làm tình nguyện kết hợp đi du lịch tự túc, ra đời vào thập niên 2000 ở Mỹ. Người tham gia phong trào này thường chú trọng đến các hoạt động trợ giúp xã hội, dạy tiếng Anh, bảo tồn, xây nhà, chăm sóc động vật.

Khảo sát của công ty Marriott Rewards Credit (Mỹ) ghi nhận 84% người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981 đến 1990) từng hoặc đang tham gia các hoạt động tình nguyện ở nước ngoài. Báo cáo hãng nghiên cứu thị trường The Global Voluntourism Marke ước tính giá trị của du lịch tình nguyện đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2023.

Năm 2024, Volunteering Solutions - tổ chức chuyên cung cấp các chương trình tình nguyện quốc tế, đề xuất Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia là điểm đến lý tưởng trong thời gian 2-4 tuần. Công việc được gợi ý là chăm sóc trẻ em, dạy tiếng Anh.

Bà Libby Homfray, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Laws for Paws Việt Nam chuyên cứu hộ và chăm sóc chó mèo, cho biết 80% tình nguyện viên là người nước ngoài.

Mỗi tháng tổ chức tiếp nhận 80-100 tình nguyện viên đến làm việc, số lượng tăng đáng kể trong hai năm qua. Thời gian làm việc của họ thường kéo dài vài tháng.

Carmen Le Roux chăm sóc chó ở TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong số các tình nguyện viên của Laws for Paws Việt Nam có Carmen Le Roux, người Nam Phi. Cô đến Việt Nam vào mùa dịch Covid-19, ấn tượng với các hoạt động người dân giúp đỡ nhau, tiếp tế thực phẩm, chuyến xe 0 đồng... nên quyết định ở lại. "Tôi thích văn hóa cho và nhận, điều này không có nhiều ở các quốc gia tôi đã từng đến", cô nói. "Người Việt sẵn sàng cho đi thời gian và công sức của mình".

Carmen Le Roux và bạn trai (hiện tại là chồng) ngạc nhiên khi thấy vài người trẻ thức dậy sớm để cho chó ở trạm cứu hộ ăn, dọn rửa chuồng rồi đi làm. Cô quyết định góp sức, nhận nhiệm vụ chăm sóc động vật, thiết kế chương trình tham quan cho trẻ em từ các trường ở TP HCM và làm truyền thông.

Mỗi ngày, cô làm việc bốn tiếng, cuối tuần đến trạm buổi sáng. Nó đòi hỏi Carmen thu xếp kết hợp với công việc chính, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.

Đầu tháng 9, Carmen dẫn đoàn học sinh tham quan trạm cứu hộ và bắt gặp khoảnh khắc một em bé vuốt ve bộ lông của chú chó nhỏ. "Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy lòng mình dịu lại, mọi mệt mỏi như tan biến", cô nói.

Ngọc Ngân


Giày Đại Phát solution
Số người online:
12256
Số người truy cập:
5754587