Đã từ lâu, Auld Lang Syne ăn sâu vào tiềm thức hàng triệu người qua nhiều thế hệ như là bài hát truyền thống của đêm giao thừa. Vốn là một bài thơ do thi hào Scotland, Robert Burns, viết vào năm 1788, Auld Lang Syne đã được phổ nhạc và trở thành giai điệu âm nhạc phổ biến không chỉ ở các nước nói tiếng Anh mà còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Khi tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ, những câu hát da diết, xúc động với lời ca đầy ý nghĩa vang lên báo hiệu một năm đã trôi qua, năm mới vừa đến. Đó là khoảnh khắc để ta nhìn lại những năm tháng đã qua và hướng tới tương lai trong niềm hân hoan, bồi hồi.
"... Should auld acquaintance be forgot
And never brought to mind?
Should auld acquaintance be forgot
And days of auld lang syne? ..."
"... Liệu ta có nên quên đi những người bạn cũ năm xưa
Và không bao giờ nhớ gì nữa?
Liệu ta có nên quên đi những người bạn xưa ấy
Và những ngày xưa êm đềm? ... "
Xuất xứ và tầm ảnh hưởng của Auld Lang Syne cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Mang giai điệu và lời ca đặc trưng của Scotland, nhưng khi vang lên, những giai điệu mượt mà, êm đềm của ca khúc này nhanh chóng in sâu vào tâm trí người nghe. Không ai lý giải được điều này, chỉ biết rằng bất kỳ ai cũng đều cảm thấy thân thuộc khi thưởng thức Auld Lang Syne, giống như được gặp lại một người bạn cũ hay chợt nhớ về một kỷ niệm đã qua.
Chân dung thi hào dân tộc Scotland - Robert Burns. |
Không chỉ phổ biến vào dịp giao thừa, bài hát này còn được sử dụng trong rất nhiều dịp như lễ tốt nghiệp, ngày chia tay hay thậm chí là cả đám tang, như một cách để nói lời từ biệt. Auld Lang Syne mang hai sắc thái cảm xúc, vừa là sự vui mừng, hân hoan khi đón nhận một thứ mới mẻ, lại vừa là sự luyến tiếc, ngậm ngùi khi phải xa rời một điều gì đó.
“… For auld lang syne, my dear
For auld lang syne
We’ll take a cup o’ kindness yet
For auld lang syne…”
“… Cho những ngày xưa cũ êm đềm, bạn ơi
Cho những ngày đã qua
Chúng ta cùng nâng ly cho những điều tốt lành
Cho những ngày tươi đẹp đã qua…”
Một năm trôi qua rất nhanh với bao kỷ niệm vui buồn. Những câu chuyện vẫn còn dang dở… Những dự định còn chưa thực hiện được… Những ký ức còn chưa kịp phai nhòa… Đêm giao thừa, tất cả cùng nâng ly rượu nồng và ôn lại một năm đã qua. Những nụ cười, những giọt nước mắt giờ chỉ còn là quá khứ. Ai nấy đều bùi ngùi, hân hoan đón nhận thời khắc của một năm mới tràn đầy niềm vui, may mắn và những hy vọng.
"Chúng ta cùng nâng ly cho những điều tốt lành... Cho những tháng ngày đã qua...". |
Giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng trong năm. Đó là khi những bước chân trên đường phố trở nên hối hả hơn bao giờ hết, là khi đất trời hòa quyện chờ đón một mùa xuân mới, là khi cảm giác bình yên, ấm áp xâm chiếm tâm hồn mỗi con người, là khi những người con xa xứ vội vã trở về nhà hội ngộ bên người thân yêu trong bữa cơm tất niên…
“... We twa hae run aboot the braes
And pou’d the gowans fine;
We’ve wander’d mony a weary foot
Sin’ auld lang syne.
We two hae paidled i’ the burn,
Frae mornin’ sun till dine;
But seas between us braid hae roar’d
Sin’ auld lang syne…”
“… Chúng ta cùng nhau trèo lên dốc
Hái những đóa hoa đồng nội
Chúng ta vui đùa đến khi đôi chân rã rời
Từ những ngày tháng tươi đẹp cũ
Chúng ta cùng lội suối với dòng nước trong mát
Từ sáng sớm cho tới bữa trưa
Nhưng giữa biển rộng mênh mông, chỉ có đôi ta gào rú
Đó là những tháng ngày đã qua…”
Thời gian luôn chuyển động không ngừng, mỗi năm qua đi, những đứa trẻ lớn dần lên, còn người lớn lại già đi. Đó là quy luật tất yếu của tự nhiên. Mọi thứ sẽ trôi qua rất nhanh. Chỉ sau đêm giao thừa, một thời khắc mới lại mở ra trước mắt mỗi người. Đó có thể là sự hồi sinh, sự trưởng thành, sự già nua hay sự úa tàn mà hơn ai hết, chính bản thân ta là người rõ nhất.
"Auld Lang Syne" từng được dùng làm nhạc nền cho bộ phim kinh điển "La Valse Dans L'Ombre" (Waterloo Bridge) với sự tham gia của minh tinh huyền thoại Vivien Leigh và tài tử Robert Taylor. |
Khi ấy, những kỷ niệm phía sau lưng chỉ còn là những miền ký ức trôi đi. Để đến một lúc nào đó ngồi nhớ lại, ta mới cảm thấy lòng mình rưng rưng, ngậm ngùi. Những câu hát da diết, tình cảm của Auld Lang Syne ngân vang trong đêm giao thừa vừa đưa ta trở về quá khứ êm đềm, tươi đẹp nhưng cũng kéo ta trở lại thực tại, để sẵn sàng đón nhận một hành trình mới trong cuộc đời. Những kỷ niệm luôn là hành trang theo ta đi trong những chuyến đi dài.
“… And here’s a hand, my trusty friend,
And gie’s a hand o’ thine;
We’ll take a cup o’ kindness yet
For auld lang syne…”
“… Hãy nắm lấy đôi tay này,
Người bạn thân mến của tôi
Chúng ta cùng nâng ly vì những điều tốt lành
Cho những tháng ngày đã qua…”
Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường nghĩ “những ngày xa xưa đó” sẽ chẳng bao giờ kết thúc để rồi khi nghe Auld Lang Syne vào đêm giao thừa, ta mới giật mình nhận ra một năm đã lại trôi qua. Những đứa trẻ đều phải trưởng thành, giống như những mầm cây đều sẽ vươn mình lên khỏi mặt đất. Trong nhịp sống hối hả và cuồng quay của vòng đời, giao thừa chính là thời khắc tĩnh lặng để ta nhìn lại “ngày hôm qua” với một chút luyến tiếc, một chút day dứt và một chút hy vọng vào “ngày mai”.
Khung cảnh đón năm mới ở Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. |
Tại Việt Nam, phiên bản Auld Lang Syne được nhiều người yêu nhạc nhớ tới là của nhóm Boney M hay của nghệ sĩ saxophone Kenny G. Trên thế giới mỗi năm có tới hàng trăm, hàng nghìn giọng ca thể hiện lại ca khúc này. Tuy nhiên, không ai có thể nhận định được phiên bản nào là hay nhất, đáng nhớ nhất bởi lẽ Auld Lang Syne là bài hát của tất cả mọi người. Đó là ca khúc mà khi vang lên, ai nấy đều cảm thấy rộn ràng, thân quen.
Con người, vạn vật và thời gian có thể thay đổi, nhưng thứ cảm xúc ấm áp, đầy hân hoan trong đêm giao thừa với giai điệu bình dị của Auld Lang Syne sẽ mãi là bất tận, dù cho nó có được vang lên ở những nơi như Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), cây cầu Waterloo của hai nhân vật Roy và Myra trong bộ phim kinh điển La Valse Dans L’Ombre, hay từ chiếc radio cũ kỹ đặt bên lò sưởi của một ngôi nhà cổ ở Hà Nội đi chăng nữa.
Thưởng thức một số phiên bản của "Auld Lang Syne" |
* Phiên bản của Boney M |
* Phiên bản trong phim "La Valse Dans L'Ombre" (Waterloo Bridge) |
* Phiên bản của Ronnie Browne (Of? The Corries) |
* Phiên bản của Kenny G. |
* Khung cảnh đếm ngược ở Quảng trường Thời đại (New York) |
* Phiên bản của Susan Boyle |
* Phiên bản của Lea Michele (nhạc phim "New Year's Eve") |
Nguyên Minh