Lạm phát 'đánh úp' các doanh nghiệp quảng cáo, PR

Vượt qua gần 40 cây số, tốn gần 700.000 đồng tiền taxi chị Vân - Phó giám đốc một công ty tổ chức sự kiện ở Hà Nội mới đến được trụ sở của bạn hàng để ký kết hợp đồng quảng cáo. Thế nhưng sau gần 20 phút vòng vo nói về thời cuộc, tình hình kinh tế, lạm phát, phía đối tác ngập ngừng thông báo: "Em thông cảm thời buổi làm ăn khó khăn, bọn anh đang thực hiện chiến dịch cắt giảm chi phí, chắc hợp đồng quảng cáo lần này phải hoãn lại".

Chị Vân nhẩm tính, đây là hợp đồng thứ 6 từ đầu tháng phía đối tác thông báo tạm hoãn vô thời hạn với câu nói gần giống nhau: Bọn anh chắc chắn làm nhưng mà hoãn, bây giờ chưa đúng thời điểm. Kể từ quý 2, tình hình kinh doanh của công ty rơi vào cảnh "cực kỳ khó khăn", nhân viên đòi nghỉ việc với lý do "lương không đủ sống". Công ty đứng trước sức ép tăng lương. Bạn hàng liên tục thông báo giãn tiến độ hợp đồng vì cho rằng việc bỏ ra cả trăm triệu đồng cho việc quảng cáo, PR lúc này là quá xa xỉ.

Để đảm bảo mục tiêu doanh số và kế hoạch đặt ra, công ty của Vân đang phải thực hiện chiếc dịch "góp gió thành bão" bằng cách "thu nhặt" từng hợp đồng trị giá vài chục triệu đồng và chấp nhận hoa hồng thấp - điều mà trước đây công ty chưa bao giờ làm.


Những buổi giới thiệu sản phẩm như thế này đang dần được các doanh nghiệp cắt giảm. Ảnh: Hoàng Hà.

Hai năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ, các công ty chuyên về tổ chức sự kiện cũng nở rộ theo cấp số nhân. Số lượng công ty nhiều đến mức chẳng ai đủ sức phân biệt đâu là doanh nghiệp chuyên về quảng cáo, tổ chức sự kiện hay chỉ thiên về truyền thông PR. Cạnh tranh ngày một khốc liệt, miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp cũng ngày càng nhỏ đi, nhất là khi các doanh nghiệp Nhà nước cũng như tư nhân thực hiện chính sách tiết kiệm 10% chi phí theo lời kêu gọi của Chính phủ.

Ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc một công ty PR ở Hà Nội than thở: "Hai tháng nay, chúng tôi đã hủy tới 5 hợp đồng quảng cáo. Đối tác chấp nhận nộp phạt 10% chứ nhất định không chịu dốc hầu bao cho chiến dịch truyền thông".

Theo ông Hồng, lạm phát đã tác động đến mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp làm ăn không còn hiệu quả như trước. Hiện nay chỉ có ngân hàng, các công ty tài chính và viễn thông là còn duy trì ổn định một số chương trình quảng cáo cho dịch vụ, các ngành nghề khác thì cắt giảm tối đa. Thậm chí có công ty lên kế hoạch từ đầu năm cũng giãn tiến độ đến thời điểm thích hợp.

Một nguyên nhân tác động đến thị trường quảng cáo, PR đó là tâm lý tiêu dùng trong dân chúng. Theo ông Hồng, giá hàng hóa tăng cao, đời sống dân chúng không còn mấy dư giả nên dù các nhà sản xuất liên tục quảng bá sản phẩm mới, khuyến mãi, giảm giá nhưng vẫn ít khách. Người dân tiết kiệm tiêu dùng khiến khâu bán hàng của doanh nghiệp bị giảm, lợi nhuận không còn cao cũng là lý do khiến doanh nghiệp càng phải cân nhắc các chiến dịch truyền thông.

Cũng thừa nhận tình cảnh không mấy sáng sủa của thị trường quảng cáo, ông Minh - giám đốc của ba công ty chuyên về tổ chức cho biết thêm kể từ khi Chính phủ kêu gọi tiết giảm chi phí, hạn chế họp hành, tổng kết, xét thưởng thi đua, đi nước ngoài... số lượng sự kiện tại các doanh nghiệp giảm gần một nửa.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định: Khó khăn chỉ là tạm thời, thị trường sẽ vẫn phát triển bởi quảng cáo, PR là kênh tốt nhất để các nhà sản xuất đưa được sản phẩm của mình đến được người tiêu dùng. Theo Giám đốc Nguyễn Minh Hồng, việc một số doanh nghiệp cho rằng quảng cáo là dịch vụ xa xỉ cần phải cắt giảm chi phí là không thực sự đúng.

"Tôi cho rằng dù khó khăn đến mấy thì các doanh nghiệp cũng cần phải thấy rằng hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của mình vẫn cần được duy trì trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết được rằng họ vẫn tồn tại và hoạt động bình thường", ông Hồng nhấn mạnh. 

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
60160
Số người truy cập:
8581258