Làm giàu từ đồ thủ công

Dù đã có công việc toàn thời gian hay bán thời gian, bạn vẫn có thể thu được rất nhiều điều có lợi từ việc đưa sở thích làm đồ mỹ nghệ vào kinh doanh. Với những người mới bắt đầu, điều quan trong nhất là phải thực sự có đam mê, kiến thức cũng như kỹ năng làm những món đồ nhỏ nhắn xinh xắn. Một chút nhạy cảm với thị trường và khả năng marketing cũng là những yếu tố cần thiết để thành công.

Sự khéo tay cộng với một chút ý tưởng kinh doanh có thể là khởi đầu cho một công việc kinh doanh. Ảnh:smallbusiness.aol.com.

Tác giả của cuốn "Handmade for Profit" (tạm dịch là: Đồ thủ công sinh lợi nhuận) và là một người đã có 25 năm kinh nghiệm với đồ mỹ nghệ, bà Barbara Brabec, cho hay "Sở thích của bạn phải được chuyển thành sản phẩm hay dịch vụ hướng tới một thị trường cụ thể". Bà nhấn mạnh: "Bạn có thể rất thích những thứ bạn làm ra, nhưng điểm mấu chốt là liệu có ai chịu bỏ tiền ra mua nó không ?"

Theo bà, tất cả các sản phẩm dù là may, thêu, khâu, đan, làm bằng gỗ, hay sắt, đó là tượng hay đồ trang sức thì bạn đều có thể bán để thu lời. Có thể nói sản xuất đồ thủ công là một ngành công nghiệp có trị giá hàng tỷ đôla.

Bà cho biết mọi người đều cảm thấy e sợ khi họ đang bước ra khỏi khu vực an toàn của mình, từ làm cho vui, chuyển thành làm để thu lời. Cách duy nhất để có thể vượt qua cảm giác này là thử làm nhiều lần. Bà cho biết bạn sẽ phải biết cách chấp nhận sự đánh giá hoặc hắt hủi, không phải với cá nhân bạn, mà với sản phầm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp. Khi bắt tay vào công việc bạn phải luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Lời khuyên của bà Brarec cho những người muốn thử sức mình là ngoài niềm đam mê và sự khéo tay trong làm đồ mỹ nghệ, họ nên bắt đầu với một chiếc máy tính. Ngay cả một người hoàn toàn chuyên nghiệp như bà Brabec cũng phải thừa nhận rằng ngày nay việc kinh doanh sẽ khó có thể đi đến đâu nếu không có máy tính.

Máy tính và Internet không chỉ giúp bạn nghiên cứu thị trường mà còn giúp bạn bán sản phẩm vượt khỏi khu vực bạn sinh sống. Với chiếc máy tính, dù bạn chỉ bắt đầu với một cửa hàng nhỏ hoặc một khu chợ địa phương, thì thị trường của bạn có thể mở vươn tới một nửa thành phố hoặc xa hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thử nghiệm sản phẩm với thị trường bất kỳ khi nào bạn có điều kiện.

Brarec đã bán gần nửa triệu cuốn sách dạy những người thích làm đồ thủ công khác kiếm tiền từ những sản phẩm của họ. Bà cũng chứng kiến nhiều người lặp đi lặp lại những sai lầm của mình. Chẳng hạn như một cô thợ may đã làm ra những con búp bê mềm xinh xắn nhưng thất bại trong việc xin giấy chứng nhận sáng chế. Từ đó công việc kinh doanh của cô đã đổ bể khi một hệ thống các cửa hàng sản xuất hàng loạt mặt hàng trên ra đời.

Một sai lầm phổ biến khác là đặt giá sản phẩm quá thấp. Rất nhiều những người bắt đầu kinh doanh kiểu này mắc sai lầm của việc không thu đủ phí. Bà cho hay xây dựng một hệ thống hạch toán chi phí và lợi nhuận là rất quan trọng đặc biệt là khi việc kinh doanh đòi hỏi phải thuê người.

Theo bà đồ thủ công có tính nghệ thuật nên việc định giá không hề đơn giản và mức giá thường chỉ hợp lý một cách tương đối. Nếu đặt ngưỡng giá quá rẻ thì sẽ không đủ tiền để trả cho người làm thuê. Theo bà việc nâng giá sẽ khó khăn hơn việc hạ giá rất nhiều vậy nên kinh nghiệm cho thấy những người mới bắt đầu nên bán sản phẩm của mình ở mức hơi đắt so rồi sau đó điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý.

Bà nhận định tương lai của ngành công nghiệp này sẽ ngày càng tươi sáng hơn.Mọi người không chỉ thích sản phẩm thủ công vì vẻ đẹp và sự tinh xảo của nó mà họ còn hiểu rằng trong mỗi sản phẩm đều có một chút hồn nghệ sĩ bên trong và cái mọi người mua không chỉ là sản phẩm. Đó cũng là lý do sẽ luôn có cơ hội và thị trường cho những ai muốn thử sức trong lĩnh vực này.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
818
Số người truy cập:
9263760