Khảo sát của VnExpress ngày 25/10 cho thấy có 9 trong số 35 ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần huy động từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 6% một năm.
Cụ thể, BacABank, NCB, LienVietPostBank, SeABank, OCB, Sacombank cộng thêm 1% một năm cho tiền gửi 1-3 tháng tại quầy. Các đơn vị khác như VPBank, VIB cũng có mức điều chỉnh gần tương đương. Riêng OceanBank tăng 1,2% một năm cho tiền gửi 1 tháng.
Động thái tương tự cũng diễn ra trên nền tảng online. Tuy nhiên biên độ cộng lãi có phần nhỉnh hơn khi cả 9 nhà băng đều tăng 1-1,1% một năm.
Với mức tăng thêm này, hiện BacABank, NCB và LienVietPostBank dẫn đầu lãi suất tiền gửi 1 và 3 tháng tại quầy khi lên kịch trần 6% một năm. Ở kênh online, ngoài 3 nhà băng này còn có thêm Sacombank, VIB và VPBank cùng trả mức 6% một năm. Mức thấp nhất trong số các nhà băng tăng lãi kỳ hạn 1 và 3 tháng đợt này là 5,5% một năm ở cả hai kênh giao dịch thuộc OceanBank.
Như vậy, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tiếp tục lập mặt bằng cao mới, quay về mức trước dịch và ngang với thời điểm 2014. Mức này thậm chí tương đương lãi suất tiền gửi 6 tháng của một số ngân hàng như ACB, Eximbank. Con số 6% một năm kể trên còn tạo khoảng cách rất xa với lãi tiết kiệm 6 tháng của nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, hiện quanh 4,7-4,8% một năm.
Không chỉ tiền gửi ngắn hạn, các kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng cũng được các nhà băng liên tiếp cộng thêm lãi suất với biên độ 0,2-0,95% một năm. Hiện lãi suất huy động bình quân 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt đạt 6,6%; 6,7% và 7,2% một năm tại quầy, tăng 0,2% so với đầu tháng 10. Với tốc độ tăng tương tự, mức bình quân lãi suất của kênh online lần lượt là 7%; 7,1% và 7,5% một năm.
VietABank vẫn là quán quân lãi suất tiền gửi 12 tháng khi trả 8,7% cho khách hàng online. Với kênh giao dịch tại quầy, đứng đầu tiếp tục là SCB với 8,5% một năm.
Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều - nhưng dưới một tỷ). Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.
*NCB: 13 tháng, *TPBank: 12 tháng: 6 tháng đầu 6.4% - 6 tháng bình quân 7%
Thời gian qua, nhiều ngân hàng lao vào cuộc đua nâng lãi suất huy động sau khi cơ quan quản lý tiền tệ nâng trần. Áp lực điều hành đang đè nặng lên Ngân hàng Nhà nước khi phải đánh đổi giữa việc kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Tiền đồng đang mất giá mạnh so với USD. Tính tới ngày 25/10, giá đôla Mỹ trong ngân hàng đã tăng hơn 8,5% so với đầu năm lên mức kịch trần 24.888 đồng, giá ngoài chợ đen cũng lần đầu vượt 25.300 đồng. Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã phải can thiệp bằng cách bán hơn 20% từ quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành trong một tháng gần đây.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cơ quan điều hành tiền tệ cũng đã hút ròng hơn 133.500 tỷ đồng trên hoạt động thị trường mở. Đây là lượng hút ròng cao kỷ lục của Ngân hàng Nhà nước sau 3 tuần liên tiếp thực hiện bơm ròng. Khi lãi suất cho vay liên ngân hàng hạ từ 7-8% xuống quanh 5% một năm, cơ quan điều hành thực hiện hút tiền để kìm đà tăng của tỷ giá.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ chính sách vĩ mô, nội tại hệ thống ngân hàng cũng đang "khát" tiền gửi. Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng gần 10% trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn khiến chênh lệch giữa số dư huy động và dư nợ tín dụng của hệ thống xuống thấp nhất 5 năm.
Các công ty chứng khoán gần đây đều cùng quan điểm cho rằng đà tăng lãi suất tiết kiệm sẽ còn diễn ra mạnh đến cuối năm và có thể kéo dài sang năm 2023. Trong đó, VnDirect đưa ra dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản, lên mức bình quân 7-7,2% cho kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm sau.
Tất Đạt