Lãi suất cao, khách hàng dè dặt vay tiêu dùng

Giám đốc Công ty An Việt trên phố Thái Hà chuyên bán hàng điện tử cũng cho hay, lượng khách có nhu cầu mua hàng trả góp ngày một đông, nhưng không ít người e ngại vì lãi suất cho vay có thể thay đổi.

Chị Phạm Thị Huyền, đại diện thương mại tại Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim - Tràng Thi cho hay, trước đây Nguyễn Kim trả lãi suất cho vay thay những người mua hàng trả góp tại đây, và coi đó là khuyến mại dành cho khách hàng. Tuy nhiên, từ một tháng trở lại đây, trung tâm đã tạm dừng hình thức này, vì không kham được lãi ngân hàng. Trung tâm này cũng chưa dám hứa chắc là sẽ tiếp tục hình thức khuyến mại này, hoặc nếu có sẽ cần điều chỉnh lại. Chị Huyền cũng nhận xét, gần đây người tiêu dùng rất lo lắng về lãi suất ngân hàng và thời gian thanh toán.

ACB là một trong số những ngân hàng đi đầu trong hình thức cho vay trả góp. Ngân hàng này cho biết, khách hàng thường đông về dịp cuối năm, nhưng từ đầu năm đến giờ, lượng khách đến giao dịch để vay theo kiểu trả góp đã giảm hẳn, do lo ngại lãi suất tăng. Với thời hạn vay khoảng 6 tháng, tùy số tiền và hạn mức vay, nếu điều chỉnh lãi suất tăng lên một chút, có thể khách sẽ phải chịu một mức lãi tăng từ vài trăm đến vài triệu đồng. Nếu vay 20 triệu đồng, tiền lãi cũng là vài chục nghìn đồng, với lãi suất 1,34 % một tháng.

Lãi suất cao, người tiêu dùng hạn chế vay từ các ngân hàng.
Ảnh: Hoàng Hà.

Còn ở Techcombank, người vay trả gốc và lãi hàng tháng, lãi tính theo dư nợ giảm dần. Với cho vay mua nhà, lãi suất cho vay thả nổi theo từng năm, xác định trên cơ sở lãi suất tiết kiệm thường kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) cộng với biên độ 0,2-0,35% một tháng tùy theo thời hạn và mức độ rủi ro của từng khoản vay. Nhân viên chăm sóc khách hàng của Techcombank cho biết, hiện mức lãi suất cho vay đầu năm nay đã tăng so với năm trước, nên lượng khách hàng giảm so với năm ngoái. Chị cũng cho biết" “Lãi suất cho vay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh cao hơn hiện nay một chút, cho phù hợp với mức tăng lãi suất tiết kiệm".

Lãi suất dâng lên khiến người dân cũng dè dặt với ôtô - vốn nằm trong danh mục hàng tiêu dùng được hạn chế nhập khẩu. Thậm chí có nhà nhập khẩu còn rơi vào cảnh "ế" xe khi người mua bắt đầu cắt giảm chi tiêu, dè dặt với phương tiện đi lại xa xỉ. 

Đợt điều chỉnh thuế từ 70% lên 83% đối với mặt hàng xe mới nguyên chiếc hôm 22/4 và từ 11-33% đối với xe đã qua sử dụng được coi là đòn chặn xe nhập. Hai tuần đầu tháng 5 lượng xe về cảng Hải Phòng và TP HCM rất dè dặt, phần lớn là những chiếc đã ký hợp đồng từ trước đến hạn giao hàng.

Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu có tiếng ở Hải Phòng nhận xét việc tăng thuế cộng với các chính sách thắt chặt cho vay tại các ngân hàng khiến cho các nhà nhập khẩu phải tính toán rất kỹ khi quyết định đưa xe về thị trường. "Trong kho chúng tôi vẫn còn tồn khoảng 100 xe về trước thời điểm thuế tăng vẫn chưa được tiêu thụ. Do vậy thời điểm hiện tại chúng tôi đang ngừng ký thêm các hợp đồng mới", ông này nói.

Điều khiến vị giám đốc này ngạc nhiên hơn cả là, dù công ty vẫn duy trì giá bán cũ mà khách cứ vắng. Nếu như tại thời điểm tháng 3 và 4, bình quân mỗi tuần một doanh nghiệp lớn ở TP HCM bán được khoảng 15-30 xe thì hiện tại con số này giảm một nửa, thậm chí có tuần, chỉ bán được 1 đến 2 chiếc. "Chúng tôi tìm hiểu thì được biết sở dĩ xe nhập bỗng nhiên ế ẩm xuất phát từ việc lãi suất ngân hàng cao, hạn chế vay tiêu dùng", vị giám đốc cho hay.

Hiện các ngân hàng áp dụng cơ chế lãi suất cho vay theo thỏa thuận với khách hàng. Theo đó, lãi suất sẽ phụ thuộc mục đích vay vốn, kỳ hạn, lượng vốn cũng như định mức tín nhiệm của khách. VIBBank cho hay, mức lãi suất mà ngân hàng này áp dụng là 17% mỗi năm, cộng thêm một số mức phí, phụ thuộc vào các khoản vay.

Lãi suất cao, nên hầu như không có khách hàng cá nhân vay. "Nếu cần vốn, người ta sẽ cố gắng huy động từ anh em bạn bè, chứ chẳng mấy ai đến ngân hàng vay", một cán bộ ngân hàng thương mại cho hay. Với số tiền 1 tỷ đồng, người vay phải trả khoảng 20 triệu đồng vừa tiền lãi, vừa các mức phí trong một năm.  

Hiện các ngân hàng cũng chủ yếu cho các khách hàng quen vay, một số chỉ giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký kết từ trước. Nhiều khả năng đến hết tuần này, sau khi xem xét lượng vốn huy động được, các ngân hàng mới tính đến việc tăng cho vay hay không và điều chỉnh lãi suất đầu ra.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
34168
Số người truy cập:
8551193