Ký ức Hội An phiên bản 2.0: Các nhà chuyên môn nói gì?

 

 “Ký ức Hội An” ngày càng đến gần hơn với người dân Hội An và du khách

 Buổi tọa đàm gồm các nhà quản lý, nghiên cứu và các nghệ sĩ đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”

Không nên “giao” nhiệm vụ quá lớn cho một show giải trí

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, tọa đàm nhằm đánh giá những điểm mạnh - yếu, từ đó giúp nhà tổ chức nâng cao và hoàn thiện chất lượng chương trình. Những ý kiến tại tọa đàm sẽ giúp Bộ VHTTL có định hướng tốt hơn trong phát triển các chương trình nghệ thuật thực cảnh tương tự.

Dưới góc nhìn nhà sản xuất của nhiều dự án âm nhạc đình đám, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết, lần đầu tiên xem Ký ức Hội An đã khiến anh có nhiều cảm xúc đặc biệt. “Có lẽ phải đam mê đến điên rồ mới làm được một chương trình như vậy!”, Quốc Trung nói.

Nhạc sĩ cũng cho rằng, Ký ức Hội An là một sản phẩm cần gọi đúng tên, đúng chỗ. Show diễn là một sản phẩm văn hóa, giải trí phục vụ du lịch có chất lượng. “Khi xem xong, tôi cảm nhận vở diễn đã vượt lên trên tầm một sản phẩm văn hóa du lịch bởi sự hấp dẫn và tính nghệ thuật cao. Một kịch bản thông minh, thi vị và nghệ thuật hóa lịch sử...”, theo nhạc sĩ Quốc Trung.

 Nhạc sĩ Quốc Trung

Chính vì cần gọi đúng tên, đúng chỗ nên theo Quốc Trung, không nên đặt một nhiệm vụ quá lớn cho một vở diễn có tính giải trí như vậy. Mặt khác, là một sản phẩm văn hóa, du lịch thì liều lượng về văn hóa phải ở mức độ nhất định để du khách có thể cảm nhận được. Tổng đạo diễn Festival âm nhạc Moon Soon cũng không tiếc lời khi đánh giá Ký ức Hội An có lẽ là vở diễn thực cảnh đạt đến đẳng cấp quốc tế, là mô hình cần được bảo vệ, khuyến khích nhằm phát huy giá trị phục vụ du lịch.

Với tư cách một chuyên gia du lịch, TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch, Đại học KHXH&NV Hà Nội) khẳng định, du lịch Việt Nam hiện đang rất thiếu những sự kiện mang tính giải trí như thực cảnh Ký ức Hội An. Điểm mặt chỉ tên trong cả nước cũng chỉ có vài show như Tinh hoa Bắc Bộ, Làng tôi, Ionah show, Tứ Phủ ở miền Bắc; À ố show ở miền Nam và giờ có thêm Ký ức Hội An ở miền Trung.

Ký ức Hội An giải quyết câu chuyện là du khách đến Hội An ngoài dạo phố, mua sắm, cà phê… thì còn có một điểm đến là chương trình này. Những sản phẩm văn hóa giải trí tương tự ở nhiều nước trên thế giới thường có khả năng thu hút du khách rất lớn. Như vở diễn Chị Ba Lưu (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) ở Dương Sóc (Trung Quốc) là một ví dụ. Thị trấn Dương Sóc cách Quế Lâm hơn 40 km, nhưng hằng ngày có hơn 2.000 du khách vẫn đến đây để được xem vở diễn. Chị Ba Lưu cũng thường xuyên trong tình trạng... “cháy chỗ”...”, TS Nguyễn Thu Thuỷ cho biết.

 NSND Quang Vinh

Đặt trong tổng thể công viên văn hóa Ấn tượng Hội An thì sự xuất hiện của vở diễn như một “bản giao hưởng” khép lại tour tham quan, theo bà Thuỷ, Ký ức Hội An sẽ là điểm nhấn khá lý tưởng. Điều này cũng giúp gia tăng thời gian lưu trú của khách ở Hội An. Giá vé vào cửa xem show cũng phù hợp với khả năng của du khách. “Thêm nữa là có nhiều phân cảnh hàm lượng nghệ thuật cao, hấp dẫn và chạm đến cảm xúc của người xem như cảnh cô gái hóa đá và hồi sinh khi người chồng trở về... Ký ức Hội An vì thế là một chương trình đáng xem!”, TS Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Cho biết đã đi xem Ký ức Hội An tới lần thứ ba, và mỗi lần đều nhận thấy chương trình đã được điều chỉnh, hoàn thiện theo chiều hướng tích cực, nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, trong bối cảnh mật độ khách du lịch đang đổ về Hội An quá lớn thì những show diễn thực cảnh như Ký ức Hội An có thể xem như một cách thức mới mẻ để khám phá vùng đất này.

“Lần đầu tiên đi xem chương trình, tôi mua vé và thực sự hơi bị... choáng khi gặp sân khấu. Sau đó tôi có nghe những vấn đề truyền thông nói. Một số vấn đề không sai, vì rõ ràng có sơ hở của nhà tổ chức. Tuy nhiên đó là những sơ hở nhỏ và không đáng có. Rất đáng tiếc nếu như chúng ta không biết cách bảo vệ những giá trị nghệ thuật này...”, theo nhà thiết kế Minh Hạnh.

 Nhà thiết kế Minh Hạnh

“Hòa vốn nổi không?”

Khẳng định Ký ức Hội An là một dự án nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc cho người trong nghề, với sự chuyên nghiệp, tử tế và đầy tâm huyết, nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị Bộ VHTTDL cần có giải pháp ủng hộ, thúc đẩy sự phát triển của những sản phẩm như Ký ức Hội An. Nhạc sĩ cho rằng, vở diễn đủ đẳng cấp và hoàn toàn có thể đưa tới các chương trình lớn bởi độ hấp dẫn và tính hoành tráng của nó.

Cũng cho rằng một show diễn thực cảnh lớn không thể vừa ra đời đã hoàn hảo ngay, nhạc sĩ Quốc Trung nói: “Tôi thấy vở diễn hơi… thừa cái hay, thừa cả về thời gian, quy mô, diễn viên. Nếu cứ quy mô như hiện nay mà diễn kéo dài thì dù có đủ 3.000 khách mỗi tối cũng không biết có hòa vốn nổi không?”.

NSND Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD (Bộ VHTTDL) cũng thẳng thắn, Ký ức Hội An đích thực là một chương trình nghệ thuật giải trí được đầu tư công phu. “Cá nhân tôi ngưỡng mộ những doanh nghiệp dám dũng cảm đầu tư cho văn hóa. Bởi đó là sự đầu tư cần có độ lùi rất lớn, nhiều khi phải kéo dài đến 20, 30 năm. Một vở diễn lớn vừa ra mắt vì thế đương nhiên khó có thể thành công ngay được...”, theo NSND Quang Vinh.

Lãnh đạo Cục NTBD cũng nhận xét, Ký ức Hội An đang vượt qua khuôn khổ tính nghệ thuật cần có của một chương trình giải trí. Không phải là một bảo tàng nghệ thuật hay một thư viện văn hóa, cho nên sự đón nhận tác phẩm cũng cần theo chiều hướng cởi mở, nhằm khuyến khích sự phát triển của những sự kiện văn hóa, giải trí phục vụ du lịch.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, hai lần đến Hội An xem chương trình, chị hoàn toàn không biết ai là chủ đầu tư của show diễn. “Nhưng tôi cảm nhận rõ ràng sự dũng cảm của họ. Với kinh nghiệm là đối tác của Festival Huế trong gần 20 năm cũng như đã từng tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật lớn trên thế giới, tôi hiểu rằng để làm nên một chương trình nghệ thuật có quy mô như Ký ức Hội An không phải là câu chuyện đơn giản. Cho đến nay, có thể nói vở diễn này không so sánh với các chương trình nghệ thuật nào khác tại Việt Nam...”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Cố vấn lịch sử của chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc so sánh, ra đời gần tương đương về thời điểm với Ký ức Hội An, show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ ở miền Bắc khởi đầu cũng gặp không ít thử thách. Nhưng cho đến nay chương trình này đã tương đối thành công. Theo nhà sử học, Ký ức Hội An là một chương trình giải trí phục vụ du lịch chứ không phải sự kiện chỉ để biểu diễn một lần. “Vở diễn cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện. Thậm chí thời gian “chạy roda” sẽ khá dài mà nhà đầu tư buộc phải chấp nhận nhằm hướng đến tính điêu luyện, chuyên nghiệp ngày càng cao. Trong quá trình chỉnh sửa, thay đổi đó, ê kip sáng tạo cần phải nắm bắt và thể hiện cho được ý tưởng tác giả, nhà đầu tư, tránh tình trạng... đẽo cày giữa đường”, ông Dương Trung Quốc góp ý.

Cần thêm điểm nhấn để khán giả “ồ, à!”

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta, đặc biệt là những người dân Hội An nên tự hào vì Ký ức Hội An là một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, du lịch mang tầm quốc tế”.

Còn theo nhà thiết kế Minh Hạnh: “Hãy bằng chính các giá trị truyền thống để người dân Hội An cảm thấy tự hào. Nếu là người Hội An, tôi sẽ tự hào vì đã có được một chương trình nghệ thuật xây dựng từ những giá trị truyền thống, được nâng tầm lên giá trị của thời đại mà vẫn phù hợp...”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu, những dự án, biểu tượng văn hóa thường khởi đầu sẽ khó khăn và Ký ức Hội An cũng trong quy luật chung đó. Ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ mong muốn dự án nghệ thuật này sẽ được bám trụ đến cùng.

PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ cảm xúc của một khán giả lần đầu xem chương trình: “Tôi thích và trân trọng sự công phu, tâm huyết của ê kip thực hiện Ký ức Hội An. Các chương trình nghệ thuật thực cảnh đã có ở nhiều nước trên thế giới nhưng tại Việt Nam, nghệ thuật thực cảnh còn khá mới mẻ”. Ông Trần Quốc Toản cũng lưu ý, không nên xem đây là một “chương” của lịch sử Hội An mà chỉ cảm nhận theo tính khái quát, ước lệ để thấy rằng, Ký ức Hội An là một sản phẩm du lịch, giải trí được xây dựng trên nền tảng văn hóa.

“Hãy để người dân Hội An cảm nhận được rằng tác phẩm nghệ thuật này chính là của Hội An. “Văn hóa cho...” và “Văn hóa của...” luôn luôn khác nhau và vì thế, cần có sự kết hợp hài hòa để chính người dân Hội An thấy được trách nhiệm của mình đối với dự án”, PGS.TS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, trong bối cảnh đời sống nghệ thuật còn nghèo nàn như hiện nay thì Ký ức Hội An với sự tham gia của một ê kip sáng tạo và dàn diễn viên chuyên nghiệp được xem là một chương trình đáng quý và rất cần trân trọng. Những chi tiết chưa thực sự hoàn thiện thì cần cân nhắc, tính toán nhằm hướng đến một vở diễn có sức sống lâu bền. “Tôi cho rằng Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện ủng hộ cho một chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô như Ký ức Hội An. Nhà đầu tư cũng nên có những tính toán phù hợp, gắn sức sống của vở diễn với lợi ích cộng đồng. Chỉ khi người Hội An thấy mình là người trong cuộc, thấy đó là sản phẩm của chính mình thì show diễn mới chạm đến mục tiêu mong muốn là chinh phục cả du khách và nhân dân địa phương...”, theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn.

Đóng góp về chất lượng chuyên môn của chương trình, NSND Quang Vinh cho rằng, thời lượng show diễn có thể cắt gọn hơn nữa, đề cao tính giải trí và phục vụ du lịch. Ê kip sáng tạo cũng cần tranh thủ các thủ pháp sân khấu, có những chiêu bài hấp dẫn tạo cú hích, khiến người xem phải trầm trồ.

Đồng góc nhìn này, TS Nguyễn Thu Thuỷ lưu ý, ở Ký ức Hội An mọi thứ đều hoành tráng nhưng lại thiếu một chút gì đó khiến người xem phải thốt lên: “Ôi cái gì ấy nhỉ?”.

Chỉ đạo sản xuất chương trình, ông John Nguyễn bày tỏ, văn hóa Việt Nam có những câu chuyện rất hay nhưng cách thể hiện chưa thực sự hấp dẫn và lôi cuốn như ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, Ký ức Hội An được kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa nghệ thuật đẳng cấp mà ở đó, người xem có thể tự hào rằng đó là câu chuyện về những giá trị văn hóa truyền thống của một vùng đất giàu bản sắc văn hóa- đô thị cổ Hội An.


Giày Đại Phát solution
Số người online:
57743
Số người truy cập:
7683418