Cậu bé Norng Chan Phal (được bế bên trái) cùng những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia tháng 1/1979. Ảnh: Trung tâm Tài liệu Campuchia. |
Norng Chan Phal chỉ 8 hoặc 9 tuổi khi bị đưa đến Nhà tù an ninh 21, nơi giam giữ, tra tấn 17.000 người dưới chế độ Khmer Đỏ và thường được truyền thông gọi là "địa ngục trần gian". Bố của Norng Chan Phal đã bị giam ở đây vào năm 1978, còn Norng Chan Phal cùng mẹ và em trai chịu chung số phận sau đó nửa năm, theo Guardian.
"Mẹ tôi khi đó bị ốm và không thể tự bước xuống xe tải. Chúng lôi mẹ tôi xuống và tát vào mặt bà nhiều lần", Chan Phal kể lại.
Mẹ ông bị nhốt trong một buồng giam trên tầng hai trong khi ông và anh trai bị đưa đến khu bếp của nhà tù. "Tôi thấy mẹ nhìn chúng tôi qua cửa sổ. Tôi không bao giờ gặp lại mẹ kể từ đó", ông kể.
Trong quãng thời gian ở nhà tù, Chan Phal chăm sóc vườn rau và phải ngủ gần chuồng lợn. Bữa ăn của hai anh em ông chỉ là những bát cháo.
Tháng 1/1979, khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ theo đề nghị của phong trào cách mạng Campuchia, tàn quân của Pol Pot hoảng loạn tháo chạy.
Những tên cai ngục tại Nhà tù an ninh 21 dồn tù nhân lên xe tải để rời đi trước khi bộ đội Việt Nam đến. Chúng hò hét để gọi anh em Chan Phal lên xe, nhưng họ trốn vào một đống quần áo.
"Một phụ nữ lôi bọn trẻ lên xe. Tôi bảo em tôi nép vào đống quần áo ở sân sau của nhà tù. Vì vội vàng rời đi nên họ không tìm thấy chúng tôi. Tôi đã trốn ở đó và hy vọng mẹ sẽ đến tìm chúng tôi", Chan Phal kể.
Sau khi quân Khmer Đỏ rời đi, Chan Phal chạy đi tìm mẹ.
"Tôi leo lên tầng hai nhưng không thấy mẹ. Tôi chạy đến một tòa nhà khác và thấy những thi thể nằm trong bể máu. Tôi sợ hãi, bật khóc và tiếp tục chạy đi tìm", ông kể. Sau khi không thấy mẹ và nghe thấy tiếng súng, Chan Phal quay trở lại trốn trong đống quần áo.
Norng Chan Phal (trái) và ông Hồ Văn Tây tại Campuchia năm 2009. Ảnh: Reuters. |
Vài giờ sau, quân tình nguyện Việt Nam đến và phát hiện 5 đứa trẻ ở nhà tù, một trong số đó sau đó qua đời. Nhà báo Đinh Phong và nhà quay phim chiến trường Hồ Văn Tây, hai người có mặt ở nhà tù khi đó, kể rằng những đứa trẻ đều trong tình trạng không mảnh vải che thân, người chi chít vết muỗi đốt.
"Chúng tôi phải bước qua những xác người thối rữa, vẫn còn cùm ở cổ chân họ", ông Tây cho biết.
Quân tình nguyện Việt Nam cho những đứa trẻ ăn và đưa chúng đến bệnh viện. Anh em Phal sau đó được chuyển vào trại trẻ mồ côi.
Nhiều năm sau, khi thăm lại nhà tù - nơi hiện là bảo tàng diệt chủng lưu giữ bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ, Chan Phal òa khóc. "Tôi nhìn vào nơi tôi từng thấy mẹ qua cửa sổ. Tôi vẫn cảm thấy đau lòng khi nhớ đến lúc bà bị lũ Khmer Đỏ đánh đập", ông nói.