Kinh tế thị trường và cuộc chiến với những tin đồn

Trong đời sống nhân loại nói chung, nhất là trong đời sống kinh tế thị trường, luôn tồn tại những tin đồn đủ loại về các hiện tượng thiên nhiên, tâm linh, những thay đổi về chính sách, nhân sự, chính trị và muôn mặt khác của đời sống xã hội… Tin đồn ở một số lĩnh vực thường được quan tâm một cách nghiêm túc và đánh giá cao. Vì thế, nhiều nước trên thế giới có hẳn những viện nghiên cứu có thương hiệu và uy tín cao, chuyên nghiên cứu về tin đồn và dư luận xã hội, và chúng rất đắt hàng trước các cuộc bầu cử hoặc trong chiến dịch marketing của các doanh nghiệp.

Tin đồn thông thường là hiện tượng bình thường, thậm chí còn góp phần làm cho cuộc sống thêm sinh động và đa sắc, là dịp để khởi động các phỏng đoán, các ý tưởng mới và thể hiện tâm lý, trình độ nhận thức của các bộ phận, tầng lớp xã hội, cũng như còn là thước đo uy tín và hiệu quả quản lý của một cá nhân, tổ chức và chính phủ. Hơn nữa, cũng có lúc, có nơi, một số giới chức, các tổ chức và cả các nhà hoạt động chính trị sử dụng tin đồn như một công cụ hữu dụng trong hoạt động của mình.


Người dân chen nhau mua xăng trước thời điểm tăng giá lên 19.000 đồng hôm 21/7. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, loại tin đồn đặc thù trong lĩnh vực kinh tế lại có ý nghĩa khác, và thường chúng mang nặng tính định hướng có mục tiêu hoặc đầu cơ cao. Khi tin đồn được mặc nhiên thừa nhận và trở thành nhận thức của đông đảo dân chúng sẽ tạo thành sức mạnh khôn lường. Chúng có thể giúp cho ai đó thu bộn tiền, cũng có khi làm lao đao bao nhiêu số phận cá nhân và cả doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước và làm tổn thất uy tín, cũng như tiền của quốc gia.

Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của cơ quan quản lý, khi chậm hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan. Có thể, chúng được cá nhân, nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra với mục đích định hướng dư luận, tranh thủ “đục nước béo cò” trước một đám đông hành động mất phương hướng và chủ kiến.

Cũng có khi tin đồn xuất hiện do sự phân tích, đồn thổi kiểu “tam sao thất bản” từ kinh nghiệm quá khứ, trí tưởng tượng, sự nhẹ dạ cả tin, sự hiếu kỳ và thói ưa buôn chuyện của giới vô công rồi nghề…

Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố lớn trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển. Chúng ta đã có hệ thống thông tin truyền thông đại chúng khá hùng mạnh với trên 700 tờ báo, tạp chí đủ loại, bên cạnh đó là hệ thống truyền thanh, truyền hình và cả đội ngũ đông đảo các tuyên truyền viên và tư vấn viên ở trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các "hãng thông tấn vỉa hè" hết "đất" và "cửa" làm ăn…


Tin đồn đôla có thể vượt qua mốc 20.000 đồng khiến nhiều người ùn ùn kéo đi gom ngoại tệ vào giữa tháng 6. Giá đôla trên thị trường tự do đã có lúc chạm 19.000 đồng. Ảnh: Hồng Nhung

Một hiện tượng khá nổi bật của năm 2007 và 2008 là chúng ta phải chứng kiến và sống chung với làn sóng các tin đồn và cơn sốt giá đủ loại, về chứng khoán, về bất động sản và một số nguyên vật liệu xây dựng, về ngoại tệ và tỷ giá USD, về gạo, về đổi tiền, và mới đây là về tăng giá xăng trong khi giá dầu mỏ thế giới đang có chiều hướng giảm khá mạnh. Rõ ràng đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước dung dưỡng và nương tay với các tin đồn thất thiệt đó…

Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, cần tăng cường và thể chế hoá các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế -tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao, như xăng, dầu, điện… Không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh “yêu cầu bảo mật” trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội, tránh “một sự mất tín, vạn sự bất tin” kiểu hôm trước tuyên bố thế này nhưng hôm sau làm ngược lại.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường; giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện và lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang” , “chạy chính sách” vì lợi ích ngành độc quyền, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia… Đảm bảo các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan.

Cơ quan quản lý cần phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt nhằm mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh…Có thể áp dụng xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, thông báo rộng rãi làm gương trong dân chúng.

Một vấn đề cần quan tâm khác đó là tuyên truyền, giáo dục. Cần tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
5124
Số người truy cập:
9270355