Khu vườn hơn 40 tỷ đồng của Sỹ Hoàng

  Sỹ Hoàng mở xưởng may

8 năm qua, bên cạnh công việc bận rộn là thiết kế thời trang và giảng dạy tại các đại học, nhà thiết kế Sỹ Hoàng nuôi giữ cho mình một đam mê khác: làm vườn.
 
Nhiều năm trước, anh mua được mảnh đất ngập mặn, nhiễm phèn rất nặng nằm ở ấp Long Thuận, Long Phước, quận 9, TP HCM. Mảnh đất này có thể ví như ốc đảo thu nhỏ vì chỉ có con đường đất duy nhất dẫn vào. Xung quanh là đồng ruộng và lạch nước. Nhưng với tình yêu thiên nhiên và mong muốn tạo một chốn riêng xanh mát cho gia đình có nơi sum họp mỗi dịp lễ lạt, Sỹ Hoàng ra sức cải tạo đất hoang thành đất vườn nhà.
 
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng giới thiệu về các kiến trúc gỗ được dựng trong vườn nhà.
 
Nhà thiết kế cho biết, với anh, công việc này vừa là áp lực, vừa là niềm thích thú lớn. Anh vừa tìm tòi trên mạng về cách cải tạo đất nhiễm phèn, vừa lân la hỏi han kinh nghiệm của các nhà nông bên cạnh, tìm hiểu xem loại cây gì, con gì có thể sống phù hợp với môi trường đất, nước tại đây.
 
 "Những ngày đầu tôi trồng cây dứa (thơm, khóm). Cây mọc lên rất tốt, cho quả sai. Cảm giác được tự tay hái từng quả dứa chín trên cây và ăn ngay tại chỗ để nghe vị ngọt giòn tan trong miệng thật thích thú", Sỹ Hoàng kể.
 
Từ việc trồng dứa, mảnh đất vườn của Sỹ Hoàng dần xuất hiện rất nhiều loại cây trái đa dạng, từ những hàng cau thẳng tắp xanh mát, đến những giàn bầu, bí, mướp, cà, chanh dây, bình bát, sa kê, dừa nước, sim tím, phượng đỏ, bò cạp, mai rừng... Các loại cây trái, hoa quả ở đây luôn xanh tốt là nhờ người chủ vườn mát tay chăm bón.
 
Trong khoảnh vườn này có một góc riêng dành cho những loại cây cổ thụ, cao hàng chục mét như sao, mù u, ngọc lan... Đây là những loại cây mọc từ bãi đất đầm lầy trước đây và được Sỹ Hoàng giữ nguyên hiện trạng hoang sơ vốn có.
 
 
Khu vườn của Sỹ Hoàng còn chứa bộ sưu tập bánh xe bò lên đến hàng nghìn chiếc. Anh cho biết, sẽ dần suy nghĩ cách biến bánh xe bò thành tác phẩm nghệ thuật sáng tạo.

Trong vườn, từ gian nhà thủy đình mang tên Vọng Nguyệt Trà đến chiếc cầu An Lạc bắc ngang hồ cá, hay gian nhà ăn, nhà bếp... đều có kiến trúc hài hòa, cân đối, chạm khắc những họa tiết kiến trúc thời Lý và "ngốn" hết của chủ nhân khoản tiền tỷ.
 
Điểm nhấn của toàn bộ khu nhà vườn là những gian nhà cổ làm từ gỗ quý. Các căn nhà đều gắn kết bằng kỹ thuật ghép mộng chứ không dùng đinh. Khu nhà dài với lối kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam do 60 nghệ nhân làng mộc Kim Bồng của Quảng Nam thực hiện liên tục trong 30 ngày đêm. Mái nhà được lợp ngói 9 lớp theo kiểu dân gian, có thể giữ ấm trong những ngày lạnh và giữ mát trong ngày nóng.
 
Tự đặt cho mình tên gọi vui là "Thích đủ thứ", nhà thiết kế còn sử dụng khu nhà vườn để sắp đặt những món đồ cổ sưu tầm được. Chiếc trống đồng Đông Sơn cổ tìm mua ở Thanh Hóa, chiếc trống gỗ mít tạc từ một khối gỗ vòng tay người ôm không xuể, tượng Phật cổ nghìn mắt nghìn tay hoặc bộ sưu tập hơn 1.000 bánh xe bò... được Sỹ Hoàng cất giữ để sắp đặt thành những tác phẩm nghệ thuật theo ý tưởng sáng tạo của anh.
 
Khu nhà vườn của Sỹ Hoàng nhiều lần đón người thân, gia đình, bạn bè đến tham quan và nghỉ ngơi. Đây cũng là địa điểm diễn ra các khóa học mỹ thuật của anh dành cho thiếu nhi và các buổi tọa đàm của giới sân khấu. Nhưng đến ngày 19-9, lần đầu tiên anh mở cửa để một đoàn khách du lịch đến tham quan. Đây là tour do công ty du lịch Hành Hương Việt tổ chức.
 
"Vài năm nay, rất nhiều công ty du lịch muốn kết hợp với tôi để đưa khách đến tham quan khu nhà vườn Long Thuận, nhưng tôi đều từ chối vì sợ cảnh quan khu vườn bị hư hại. Lần này tôi nhận lời vì thấy đoàn khách chọn lọc và chương trình tham quan gắn liền với ý nghĩa tìm về thiền và không gian thiên nhiên", Sỹ Hoàng chia sẻ.
 
Theo Thoại Hà (VnExpress)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
1972
Số người truy cập:
9265799