Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại” do Thủ tướng chủ trì diễn ra ngày 24/7.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, về cắt giảm thủ tục hành chính, những gì đạt được so với mục tiêu là còn cách xa, thậm chí còn "là khoảng cách không xóa bỏ được" nếu so với thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận một số cải cách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và ông ví họ “mừng rơi nước mắt” bởi đã được thay đổi sau bao nhiêu năm phải khổ sở.
Cán bộ Hải quan Hải Phòng tham vấn giá khai báo tính thuế cho đại lý thủ tục hải quan. Ảnh: Thời báo Tài chính |
Theo cơ quan hải quan, quý II/2015 có hơn 82.700 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhưng đến quý I/2018 giảm khoảng 4.400 mặt hàng. Tuy nhiên, ông Cung đặt nghi vấn những mặt hàng khác nhảy vào danh mục trên sau khi giảm. Bên cạnh đó, theo ông, còn tình trạng một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm có ít mặt hàng, còn nhóm nhiều mặt hàng thì không.
“Do đó, đôi khi nói Bộ nọ Bộ kia cắt giảm phần lớn nhưng chưa chắc đã đạt được mục tiêu”, ông nói đồng thời chỉ ra còn tình trạng một mặt hàng có tới 2-3 bộ hoặc 2-3 Cục trong cùng một Bộ kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 50%.
Ông Cung cũng nêu, những con số cắt giảm được trong báo cáo có phải là con số cuối cùng không thì vẫn chưa ai xác nhận.
“Những thủ tục này vẫn chưa thực chất, thậm chí tăng chi phí cho doanh nghiệp bởi có nhiều nơi, họ vẫn vừa phải kê khai điện tử, vừa kê khai cả giấy nên thực tế là hai kênh”, ông nói và cho rằng Chính phủ nên đặt mục tiêu năm 2020 phải hoàn thành số hóa cổng thông tin một cửa.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp (mới đạt 53 trên tổng số 283 thủ tục). Phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập cho thấy, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất. Bởi khi thực hiện một số thủ tục, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan, năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
Chính thức được triển khai từ tháng 11/2014, đến ngày 15/7/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Dự kiến cuối năm 2018 triển khai thêm 143 thủ tục. Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trích dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới để ghi nhận những kết quả tích cực của công tác này. Trung bình, chi phí thông quan cho một lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn, hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%). Bên cạnh đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra yêu cầu rất cụ thể, từ nay đến hết năm 2018 phải hoàn thành việc kết nối tối thiểu 130 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch. Cùng với đó là việc giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
“Cần phải chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Hà