Đặt cho các nhân vật của mình những câu chuyện mang tên của nỗi buồn: Nước như nước mắt, Có con thuyền đã buông bờ, Thềm nắng sau lưng, Mộ gió..., như thể nhà văn đã gói ghém vào đó những dấu lặng buồn tênh cho những “chuyến vào đời bâng quơ” của những phận đời mỏng manh.
Người phụ nữ khát khao đi tìm hạnh phúc, để rồi bước chân họ cứ luẩn quẩn ngược xuôi trong bôn ba tìm kiếm. Những đắng cay được mất, những ngơ ngác thăng trầm, những yêu thương thù hận, những chờ đợi bao dung... Tất cả những cơn sóng của đời cứ miên miết xô vào tận đáy tim để rồi cũng chính họ tự quay đi, xoa dịu những mảnh tan vỡ trong lòng mình bằng những nụ cười trầm luân khỏa lấp.
Đỉnh điểm của nỗi u uất xót xa là câu chuyện của người con gái tên Di trong truyện Khói trời lộng lẫy - tác phẩm “đinh” trong tập truyện này. Di mất mát giữa cuộc đời mất mát. Hành trình kéo dài từ những thiếu vắng yêu thương của tuổi thơ cho đến khi cô trở thành một bà mẹ đơn thân sống lặng lẽ giữa xóm Cồn. Di làm việc ở viện nghiên cứu lưu trữ, đi tìm nhặt, giữ lại những điều quý giá của thiên nhiên nhưng cô lại không níu được những điều quý giá cho riêng mình.
Cô đánh cắp đứa con trai của ba cô – vì người đàn ông đó mà cô trở thành đứa trẻ không cha – để mang nó ra khỏi thế giới người xô bồ, đầy rẫy những toan tính cạm bẫy. Di muốn đứa trẻ lớn lên trong khiết như hạt sương nhưng cô không hề nghĩ rằng chính cô đã mang đứa trẻ rời xa thế giới văn minh, thả xuống đời nó những u tối nhất của một cuộc đời vốn dĩ được sinh ra trong yêu thương, nhung lụa.
Di cố giữ lại những điều đang mất đi của tự nhiên nhưng cô lại là một bản thể của sự mất mát. Di kiệt cùng sức lực trong yêu thương và lòng thù hận. Để đến khi trái tim không còn đủ sức căng ra giữ nỗi thống khổ thì Di để mình biến mất - một sự tan biến vào vĩnh hằng trong khói trời lộng lẫy nhen từ những nếp lá mục nhà mình...
Cho đến giây phút sau cùng, Di vẫn còn nghĩ làm sao để mãi giữ được vẻ đẹp lộng lẫy của khói.Cũng như người ta vẫn sẽ mãi nghĩ làm sao để giữ mãi cuộc đời rất đẹp - dù đời bể dâu.
Tiểu Quyên