Khối 54 nước lung lay vì Harry - Meghan

 Tại các quốc gia có quan hệ lịch sử với Anh, những cáo buộc của Harry và Meghan rằng có thành viên hoàng gia lo ngại con của họ sẽ có làn da sẫm màu đã làm dấy lên một câu hỏi: Liệu những quốc gia đó còn thực sự muốn kết nối chặt chẽ với Anh và hoàng gia Anh hay không?

Không chỉ là nguyên thủ của Anh, Nữ hoàng còn là nguyên thủ của Khối Thịnh vượng chung, tổ chức liên chính phủ gồm 53 quốc gia thành viên, hầu hết từng là thuộc địa của Anh. Tổ chức được thành lập bằng Tuyên ngôn London năm 1949, xác định các quốc gia thành viên "tự do và bình đẳng". Nữ hoàng là biểu tượng liên kết của tổ chức. Ngoài Anh, bà còn là nữ hoàng của 15 nước khác trong khối.

Harry và Meghan đến Nam Phi năm 2019. Ảnh: AP.

Harry và Meghan đến Nam Phi năm 2019. Ảnh: AP.

Cuộc phỏng vấn được chiếu trên truyền hình Mỹ tối 7/3, ngay trước ngày Thịnh vượng Chung 8/3. Cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói những hé lộ trong cuộc phỏng vấn là lý do để nước này cắt quan hệ hiến pháp với chế độ quân chủ Anh.

"Chúng ta nên chấm dứt khi thời kỳ cầm quyền của Nữ hoàng kết thúc", Turnbull nói. "Chúng ta có thực sự muốn một người tự động là nguyên thủ quốc gia của nước mình chỉ vì người đó là vua hay nữ hoàng Anh không?".

Giá trị của Khối Thịnh vượng Chung từng được nhiều lần đem ra tranh luận, các nhà phê bình đặt câu hỏi liệu các quốc gia và người dân từng là thuộc địa và thậm chí từng bị áp bức có nên tiếp tục mối liên kết như vậy với cựu "mẫu quốc" hay không.

Mục đích đề ra của khối là cải thiện quan hệ quốc tế, nhưng mối quan hệ của Anh với các thành viên đã bị những sai lầm ngoại giao và di sản thời thực dân phủ bóng. Trong bài phát biểu mừng Ngày Thịnh vượng Chung hôm 8/3, Nữ hoàng nhấn mạnh "tinh thần đoàn kết".

Những thành viên hoàng gia được nhiều người quan tâm như Harry và Meghan đã dự nhiều sự kiện liên quan đến Khối Thịnh vượng Chung cùng các thanh niên, doanh nghiệp và nhóm tình nguyện.

Nhưng cuộc phỏng vấn của họ "giúp chúng ta mở mang tầm mắt hơn" về những giá trị của Khối Thịnh vượng Chung, Nicholas Sengoba, nhà báo tại Uganda, cựu thuộc địa của Anh, viết.

Ông nói rằng ở Uganda còn tồn tại "các vấn đề chưa được giải quyết" liên quan đến hành vi lạm dụng thời chủ nghĩa thực dân và đặt câu hỏi sau cáo buộc phân biệt chủng tộc này, liệu lãnh đạo các nước thuộc khối có nên tự hào khi ăn tối với các thành viên của hoàng gia Anh hay không.

Cung điện Buckingham đã phản hồi rằng cáo buộc phân biệt chủng tộc của Harry và Meghan đưa ra sẽ được hoàng gia giải quyết riêng. Meghan có bố là người da trắng còn mẹ là người da màu.

Người châu Phi phản ứng gay gắt về cuộc phỏng vấn. "Nước Anh và hoàng gia là như vậy đấy. Các bạn mong đợi gì cơ chứ? Họ từng áp bức chúng ta trong nhiều năm", một người dùng Twitter ở Nam Phi viết. Meghan và Harry đã thăm Nam Phi năm 2019, khi rạn nứt của họ với hoàng gia bắt đầu trở nên rõ ràng và họ thậm chí còn nói về khả năng đến sống tại đây.

Mohammed Groenewald, người đã dẫn họ đi tham quan một nhà thờ Hồi giáo ở Cape Town, nói rằng cuộc phỏng vấn khơi dậy ký ức về "phân biệt chủng tộc của thực dân Anh". Nó bộc lộ rất rõ ràng", ông nói.

Kenya là thuộc địa cũ mà bà Elizabeth từng thăm năm 1952 với tư cách công chúa. Chúng tôi cảm thấy rất tức giận khi chứng kiến người em gái gốc Phi của mình bị quấy rối vì cô ấy là người da màu", Sylvia Wangari, cư dân thủ đô Nairobi, nói về Meghan. Wangari nói thêm rằng khi bà Elizabeth đến Kenya, người dân ở đây đã không "thể hiện bất kỳ thái độ phân biệt chủng tộc nào".

Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chối bình luận về cuộc phỏng vấn. Ông cho biết nhiều thể chế ở Canada đã được xây dựng từ cơ sở chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc có hệ thống, bao gồm cả nghị viện. Ông cho biết cách xử lý là lắng nghe những người Canada đối mặt với phân biệt đối xử để sửa chữa các thể chế. "Câu trả lời là không đột ngột loại bỏ tất cả thể chế và bắt đầu lại", Trudeau nói.

"Tôi cầu chúc tất cả các thành viên hoàng gia mọi điều tốt đẹp nhất, nhưng trọng tâm của tôi là vượt qua đại dịch này. Nếu sau này mọi người muốn nói về việc thay đổi hiến pháp và thay đổi hệ thống chính phủ thì điều đó cũng tốt, họ có thể bàn về việc đó, nhưng hiện tại, tôi không làm vậy".

Trong khi đó, Jagmeet Singh, lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ Mới, nói rằng chế độ quân chủ "không có ích gì với cuộc sống hàng ngày của người dân Canada".

Cuộc phỏng vấn không được chiếu trên TV ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất trong Khối Thịnh vượng Chung với 1,3 tỷ người, nhưng truyền thông vẫn đưa tin đậm và một số người có phản ứng tiêu cực.

"Đằng sau sự trang nhã bên ngoài là những suy nghĩ không mấy đẹp đẽ", nhà bình luận thời trang Meenakshi Singh viết.

"Tất nhiên Khối Thịnh vượng Chung có ý nghĩa với hoàng gia Anh, vì nó cho thấy họ đã cai trị rất nhiều nơi", luật sư Sunaina Phul nói. "Nhưng còn chúng ta thì sao? Tôi không hiểu tại sao chúng ta vẫn nằm trong khối".

Phương Vũ (Theo AP)


Giày Đại Phát solution
Số người online:
39169
Số người truy cập:
7643174