Chuyện lạ này xảy ra khi các NH không còn được tự do ấn định LS huy động nữa sau khi NH Nhà nước và Hiệp hội NH đưa ra trần LS huy động VND. Sự việc trở nên rối khi mới đây Chính phủ chủ trương bỏ trần LS huy động. Một số NH mừng như mở cờ đã tăng LS liền bị nhắc nhở.
Trong những rối rắm ấy đã có hàng loạt đề xuất để gỡ rối. Thay vì ấn định trần LS huy động thì ấn định trần LS cho vay hoặc chia các NH ra thành ba nhóm, mỗi nhóm có một mức LS huy động khác nhau. Tuy nhiên, những đề xuất này cũng như trần LS huy động đều vi phạm nguyên tắc thị trường của LS và ít có cơ sở để thực hiện. Khó có được trần LS cho vay được mọi NH chấp nhận vì mỗi NH đều có giá vốn và chi phí khác nhau. Càng không thể chia nhóm NH để ấn định trần LS huy động cho từng nhóm vì cũng giống như trần LS huy động đang áp dụng nhưng lại phức tạp hơn khi phải chia nhóm.
Theo nhiều NH, diễn biến trong những ngày qua có thể hiểu rằng phải "tạm quên" chỉ đạo của Chính phủ về "trước mắt, bỏ trần LS huy động" vì NH Nhà nước kiên quyết giữ trần LS huy động. Dù không có văn bản chỉ đạo nhưng NH Nhà nước địa phương luôn "thuyết phục" các NH tăng LS phải dừng và đưa LS trở về mức do Hiệp hội NH đưa ra. Đó cũng là lý do các NH mới tăng LS đã phải dỡ bỏ. Các NH này cho biết khó có thể từ chối trước yêu cầu này của NH Nhà nước.
Với NH Nhà nước, điều hành thị trường tiền tệ không có trần LS huy động sẽ khó hơn nhiều so với có trần LS, vì thế nơi này muốn duy trì trần LS. Thế nhưng công khai duy trì trần LS lại mang tiếng là can thiệp hành chính vào thị trường. Vì thế NH Nhà nước đã chọn cách làm khác, đó là im lặng và "vận động" để đạt được cả hai mục tiêu: dễ hơn trong điều hành thị trường nhưng cũng không bị mang tiếng là can thiệp hành chính vào thị trường.
Vì vậy, người gửi tiền vẫn chưa thể được hưởng LS cao hơn trong bối cảnh lạm phát cao, dù Chính phủ đã có chủ trương.
T.TUYỀN
Theo Tuổi Trẻ