Khó kiện các cây xăng gian lận

Theo số liệu công bố sáng nay của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) từ đầu năm đến nay, có ít nhất 413 trường hợp vi phạm về đong thiếu xăng, 394 vụ vi phạm về chất lượng và khoảng 225 vụ vi phạm về phương tiện đo lường. 229 vụ vi phạm về bán sai giá niêm yết đã bị phạt với số tiền 1,4 tỷ đồng.


Hàng trăm cây xăng bị phạt hiện sai phạm, đong thiếu, niêm yết sai giá. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngày 15/9, Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ ngày 15/9 cũng công bố danh sách 27 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về đo lường và chất lượng. Thủ đoạn gian lận phổ biến của hầu hết các cơ sở này là sử dụng phương tiện đo lường chưa được kiểm định, đã quá thời hạn kiểm định hoặc chứng chỉ kiểm định rách, nát, mờ, không đạt yêu cầu... Tinh vi hơn, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đã sử dụng những công nghệ hiện đại như lắp chíp điện tử, gắn bộ tăng xung có khả năng điều khiển từ xa, sửa chữa lại phần mềm điều khiển cột bơm… nhằm thay đổi tỷ lệ xăng bán ra trên thực tế so với số tiền khách hàng phải trả.

Trên thực tế, tình trạng đong sai, bán thiếu xăng đã diễn ra khá lâu, gây không ít bức xúc cho người tiêu dùng. Hà Nội được coi là địa bàn nóng bị phản ánh nhiều nhất, thế nhưng kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường, Hà Nội chỉ có 4 cây xăng vi phạm, số còn lại thuộc các tỉnh thành khác trên cả nước.

Ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho hay lực lượng quản lý thị trường rất mỏng trong khi số lượng các cửa hàng đại lý cây xăng lên tới con số hàng nghìn trên toàn quốc. Chưa kể muốn phát hiện gian lận đòi hỏi cán bộ quản lý phải có nghiệp vụ, phải biết được các con chíp lấy trộm xăng được lắp ở đâu, và quy trình hoạt động như thế nào...

"Để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, chúng tôi mong người tiêu dùng hỗ trợ bằng cách phát hiện những vi phạm của các đại lý cửa hàng làm ăn gian dối. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ công khai số điện thoại, đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, cái khó nhất hiện nay là chế tài chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe, các mức phạt hành chính vài chục triệu đồng đối với một đại lý kinh doanh xăng dầu là quá ít. Giải pháp triệt để nhằm hạn chế gian lận là có sự vào cuộc của cơ quan điều tra, nếu xác minh sai phạm đã rõ thì tiền hành khởi tố, đồng thời đề xuất các mức phạt thật nặng, đánh vào mặt kinh tế mới đủ sức răn đe.

"Mới đây, chúng tôi cũng có đề xuất với Chính phủ việc nâng mức xử phạt đối với hành vi trên từ mức 20 triệu đồng lên mức 30 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính đến một số biện pháp mạnh hơn và triệt để hơn đối với các sai phạm nêu trên", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, trong lúc chờ các chế tài, cách tốt nhất để hạn chế thiệt hại, không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình bằng cách thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh...

Tiến sĩ Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng pháp luật Việt Nam cho phép người tiêu dùng có thể khởi kiện các cá nhân cơ sở sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho mình. Khi phát hiện sai phạm của các đại lý xăng dầu như đóng thiếu, bán sai... người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện bên bán và Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng sẵn sàng đừng ra làm đại diện khởi kiện nếu được sự ủy quyền.

Dù vậy, ông Thắng cũng thừa nhận để có đủ bằng chứng khởi kiện là việc không mấy dễ dàng. Lâu nay, người tiêu dùng khi mua xăng không có thói quen lấy hóa đơn chứng từ nên không có vật chứng để xác định mức độ thiệt hại. Hơn nữa, thủ đoạn gian lận của các đối tượng rất tinh vi, chỉ các cơ quan chức năng với chuyên môn nghiệp vụ cao mới có thể phát hiện được. Chính vì thế mà trong khi đợi xác định rõ sai phạm thì kẻ bán vẫn cứ bán, người mua vẫn cứ mua, và cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng.

Theo VnExpress


Giày Đại Phát solution
Số người online:
77658
Số người truy cập:
8854229