Khó khăn của nghề nuôi cá tra ở miền Tây.

 Nói đến nuôi cá tra, là nói đến một chặng đường dài hơn nửa năm, ròng rã để đợi con cá lớn. Thông thường một ao nuôi cá được tính với diện tích lớn (trung bình từ 1-3ha). Vì vậy, để chăm sóc tốt đàn cá con này, mỗi ngày luôn có từ 2 - 3 người hỗ trợ chăm non, cho ăn và vệ sinh, vớt rác để không làm nước bị nhiễm bẩn

Nếu như cái khó của những năm qua là tìm nơi tiêu thụ lượng cá này, thì cái khó của việc chăm sóc chúng cũng chẳng kém gì, có chăng là tùy thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi. Mỗi ngày cá được cho ăn ít nhất 2 cử và những lần ăn nhẹ. Mỗi lần cho ăn lúc nào cũng từ 2-3 người xuống ao, người đổ thức, người thì cầm dây kéo bè, người thì mở bao hạt thay phiên nhau mới may ra xuể hết một ao. Nhưng thông thường, người dân nuôi cá ít nhất là 2 ao trở lên, nhiều nơi lên đến 5,7 ao là chuyện thường tình.

Theo anh Thành (chủ trại nuôi cá tra ở cồn Sơn, quận Bình Thủy, Tp. Cần Thơ) chia sẻ, "nhân công thì mình thuê được, nhưng thuê thì cũng phải ra đó (ao) để xem cá như thế nào, lớn hơn bao nhiêu để mà tính toán mỗi ngày, chi phí thức ăn cho cá thì nhiều không kể, vì vậy, cực thì mình vẫn cực hơn nhiều lần người làm công".

Tốn kém chi phí, chăm sóc phức tạp, nhiều nơi ngư dân còn gắn camera để tiện quan sát và theo dõi các ao, kinh nghiệm nuôi nhiều là thế, tuy nhiên nhiều năm qua, cá tra luôn là nỗi lo của ngư dân vì rớt giá liên tục, năm ngoái (2017) là năm giá cá tra chạm đáy xuống dưới 20.000đ khiến bà con bỏ ao, chuyển sang ngành khác vì không đủ vốn và kiên nhẫn với nghề.

Tuy nhiên, không vì vậy mà ngư dân bỏ hẳn cá tra, nhiều bà con vẫn tiếp tục gắn bó với ao cá như một phần của cuộc sống, anh Thành cũng cho hay: “Anh cũng từng có ý định chuyển nghề, nhưng mà mình theo bao nhiêu năm rồi, nuôi cá tra riết rồi gắn bó mãi khi nào không hay. Tất nhiên, mỗi năm, bà con theo nghề phải tính toán chi phí tốt hơn, hạn chế bệnh tật nhiều hơn và tìm kiếm cơ hội với doanh nghiệp để đưa cá tra ra nước ngoài thì mới có hy vọng phát triển”

Ông trời luôn không phụ lòng người. Đợt cá xuất ao từ cuối năm 2017 đến nay, giá cá tra tăng cao chạm đỉnh cao nhất trong gần 10 năm qua. Giá cá tăng liên tục khiến bà con ngư dân phấn chấn tinh thần và có động lực để kiên trì hơn với nghề.

Thế nhưng, vẫn có nhiều nghịch lí xảy ra, khi cá tra tăng giá do nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng cao thì nhiều ngư dân lại không mấy hào hứng vì lo sợ cảnh tượng của những năm trước lặp lại. Cụ thể mấy năm trước khi cá tra có tăng trưởng về giá, bà con đồng loạt đầu tư phát triển nhiều vào ao cá, khiến cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rớt giá , nhiều bà con chịu cảnh màn trời chiếu đất.

Vì vậy, dù là cái tâm với nghề, là sự gắn bó lâu bền với các ao nuôi cá, thì ngư dân vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp và chính quyền để đưa hình ảnh cá tra Việt Nam ra biển lớn, người dân không sợ khó, sợ cực, chỉ sợ những công sức mình bỏ ra quá nhiều rồi những gì nhận lại chỉ là nước mắt và sự điều hiêu.

Chí Hào


Giày Đại Phát solution
Số người online:
9546
Số người truy cập:
9004090