Bàn thờ tượng niệm Kim Yong-kyun, thanh niên 24 tuổi, tử vong do tai nạn lao động tại nhà máy nhiệt điện ngoại ô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trên chiếc bàn thờ dựng tạm đặt ở trung tâm Seoul, mọi thứ được sắp đặt theo đúng truyền thống Hàn Quốc: di ảnh của người quá cố, đôi nến đang cháy dở và hoa cúc trắng, duy nhất có mấy cốc mì ăn liền không phải thứ đồ cúng thường thấy, theo SCMP.
Mì ăn liền, thứ đồ ăn rẻ tiền dường như không hợp với không khí tiếc thương dành cho người đã khuất, một thanh niên 24 tuổi tử vong do tai nạn lao động tại nhà máy nhiệt điện cách thủ đô Seoul chỉ vài tiếng lái xe về phía đông nam.
Hôm xảy ra tai nạn là ca trực đêm của Kim Yong-kyun. Chàng thanh niên chẳng may bị cuốn vào băng chuyền. Video trích từ camera an ninh cho thấy Kim đi kiểm tra thiết bị một mình trong khi đáng lẽ phải đi cùng một đồng nghiệp.
Các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động cho rằng nếu hôm đó Kim không đi một mình, đồng nghiệp đi cùng có thể đã kịp rút phích cắm điện của băng chuyền và cứu mạng cậu. Dư luận chĩa mũi rìu vào doanh nghiệp và cho rằng chính sách cắt giảm nhân công là nguyên nhân dẫn đến sự cố đau lòng.
Những cốc mì ăn liền, với giá rẻ, được bày bán ở mọi cửa hàng tiện dụng và thực phẩm khắp các ngõ ngách Hàn Quốc. Mì ăn liền trở thành lựa chọn phổ biến của những người lao động thu nhập thấp.
Cảnh sát tìm thấy ba gói mì ăn liền trong túi xách của Kim. Những bức ảnh chụp đồ dùng cá nhân tuềnh toàng của chàng thanh niên xấu số được chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội. Và những gói mì ăn liền rẻ tiền cho thấy tình cảnh sống chật vật của những người lao động theo mùa vụ và trở thành biểu tượng cho sự đói nghèo cùng quẫn của một nhóm người trong xã hội.
"Do khối lượng công việc ở nhà máy nhiệt điện, những người lao động ký hợp đồng ngắn hạn không thể có bữa ăn tử tế và thường phải tranh thủ ăn mì gói hoặc thức ăn chế biến sẵn mua ở các cửa hàng tiện dụng", Lee Tae-sung, người đại diện bảo vệ quyền lợi của các lao động mùa vụ tại nhà máy, cho biết.
Cái chết của Kim gây ra làn sóng phẫn nộ. Nhiều người Hàn Quốc cho rằng chính phủ đã không giám sát chặt chẽ quy trình đảm bảo an toàn lao động ở các công ty, tập đoàn lớn. Nhiều người chỉ trích hệ thống tuyển dụng phân loại người lao động, những người trong biên chế được hưởng tất cả quyền lợi theo luật lao động, trong khi những người ký hợp đồng thời vụ vừa bị trả lương thấp vừa không được đảm bảo quyền lợi.
Những cốc mì ăn liền trong siêu thị ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP. |
Lao động thời vụ, do ít kinh nghiệm, thường có nguy cơ gặp tai nạn. Hơn thế nữa, đôi khi họ phải nhận làm các công việc nguy hiểm mà các lao động biên chế không muốn làm.
Hai tháng trước khi mất, Kim đăng lên mạng bức ảnh anh cầm một thông điệp yêu cầu được gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để nói về thực trạng khốn khó của các lao động thời vụ.
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, Kim cố gắng học hành và lấy chứng chỉ với hy vọng có thể kiếm được một công việc tốt. Nhưng ở tuổi 24, công việc tốt nhất mà Kim có thể xin được là làm ca đêm tại nhà máy điện với mức thu nhập bèo bọt.
"Cái chết của cậu ấy đẩy xã hội chúng ta lún sâu hơn vào sự buồn bã, bóc trần bản chất thật của xã hội này. Nó cho thấy thể chế chính trị vô trách nhiệm đến mức độ nào, các doanh nghiệp lớn thờ ơ ra sao trong khi điều kiện làm việc của người lao động lại vô cùng nghèo nàn", Na Do-won, chính trị gia đảng Lao động Hàn Quốc, nói.
Tháng trước, một số chính trị gia thúc đẩy thông qua sửa đổi luật lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, trong đó yêu cầu các công ty cắt giảm số lượng lao động thời vụ được thuê làm các công việc nguy hiểm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với sự thay đổi này. Có ý kiến cho rằng điều luật sửa đổi "gây tổn hại hoạt động kinh doanh và coi các chủ doanh nghiệp là như kẻ phạm tội dự khuyết". Một số nhận định kế hoạch tăng lương tối thiếu và áp những quy định chặt chẽ hơn sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào thế khó và thu gọn sản xuất.
"Khi mà điều hành một doanh nghiệp trở thành một con đường dẫn tới nhà tù, ai sẽ là người tạo ra công ăn việc làm trong xã hội", một số người cảm thán. "Chẳng phải chúng ta cũng cần cải thiện sự an toàn cho chủ doanh nghiệp sao?"
Trong khi đó, mẹ của Kim Yong-kyun vẫn chưa nguôi ngoai sau sự ra đi của con trai. Bà thậm chí vẫn chưa tổ chức tang lễ vì sợ phải nói lời tiễn biệt con trai lần cuối. Theo người mẹ này, số liệu của chính phủ cho thấy từ 2008 đến 2018, đã xảy ra 12 trường hợp tai nạn lao động tại chính nhà máy nhiệt điện nơi con trai bà làm việc.
"Tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật rằng con trai tôi đã ra đi. Việc sửa đổi luật sẽ không thể mang nó trở về bên tôi nhưng ít nhất tôi có thể nhẹ lòng khi nhớ về con mình", bà mẹ nói.