Khác với những bộ phim lịch sử thực hiện cùng thời điểm, Khát vọng Thăng Longhoàn toàn không có một cảnh quay nào ở Trung Quốc, mà bối cảnh chủ yếu được quay ở Thái Bình, Ninh Bình, Huế, Hà Nội với những không gian hoành tráng, đa sắc, hữu tình của non nước Hoa Lư hay màu sắc hoàng cung thâm u của một triều đại nhiều loạn lạc, tranh giành quyền lực. Ngay cả những đại cảnh chiến trường, cận cảnh chém giết, đấu võ đều “có không khí” và không “giả”.
Nếu có lời khen ngợi thêm, có thể nói diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan, Vũ Đình Toàn cùng vai diễn của em bé vào vai Lý Công Uẩn khi nhỏ, là tự nhiên, có thần thái. Ngọc Ngoan được đánh giá là hợp vai hơn so với vai Tố Như trong Long Thành cầm giả ca, thể hiện được nét trong sáng thời niên thiếu vừa ra khỏi chùa, cũng như chất anh dũng, kiên cường của một tướng quân.
Cảnh trong phim
|
Một vai diễn khác, có thể nói là “để đời” trong lĩnh vực phim ảnh của chính mình là vai Lê Long Đĩnh do Đình Toàn đảm nhận. Anh đã thể hiện xuất sắc những trạng thái tâm lý bạo tàn, đau đớn, cô độc với kinh nghiệm của một diễn viên sân khấu giỏi nghề. Ưu điểm cũng là “nhược điểm” của Đình Toàn, bởi có nhiều phân cảnh nhỏ, anh diễn hơi kịch với lối diễn sân khấu hóa nhân vật.
Những cái “hẫng” của phim nằm ở vấn đề kịch bản và xử lý những tình tiết chưa đủ tinh tế và sâu sắc của đạo diễn, dù phim có dụng ý với những chi tiết “đắt”. Như tình tiết cậu bé con người lính trận với đồng xu được gửi gắm nhiều ý nghĩa nhân văn, nhưng chưa thật sự tạo xúc động nơi người xem mà tạo nên cảm giác vụn và thừa. Cảnh người ca nữ sẵn sàng chết vì tình yêu, xuất hiện “từ trên trời rơi xuống”, chết thay Lý Công Uẩn, đúng lúc mũi tên của Lê Long Đĩnh bắn ra đoạn gần cuối phim khiến khán giả phải cười ồ.
Giải thích cho cảnh đáng ra phải gây được xúc động này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Vì tôi muốn phim có những hình tượng đẹp như mơ ước và đó là cái lãng mạn của riêng tôi, như đã từng làm với phim Ngã ba Đồng Lộc”.
Cảnh trong phim
|
Với cái kết phim quá nhanh như tư liệu: Lê Long Đĩnh mất năm 24 tuổi, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, dời đô từ cố đô Hoa Lư về Thăng Long, chưa làm bật lên được chủ đề phim như tên gọi Khát vọng Thăng Long, đạo diễn thừa nhận: “Đó là những cái thiếu sót, chúng tôi chưa làm được vì không có nhiều thời gian. Tất cả đều gấp gáp trong vòng mấy tháng quay, làm hậu kỳ và hoàn thành phim. Phim này đúng ra có tên là Lý Công Uẩn thôi như dự tính ban đầu của tôi thì sẽ hợp lý hơn. Nếu có Khát vọng Thăng Long phần 2, chắc chắn sẽ khắc phục những thiếu sót”.
Tuy không phải là phim xuất sắc như nhiều người kỳ vọng ở số vốn đầu tư bỏ ra, ê-kíp cộng tác của các tên tuổi (Lưu Trọng Ninh, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn chỉ đạo võ thuật...), nhưng với những gì thể hiện trên màn ảnh suốt hơn 90 phút, có thể nói bộ phim truyện nhựa đầu tiên về cuộc đời vua Lý Thái Tổ - người đã có quyết định lịch sử: dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Hà Nội) - là đáng xem.
“Dù đã cố gắng hết sức, nhưng chắc chắn phim vẫn sẽ còn nhiều hạt sạn, và khán giả, những người xem phim hãy cùng chia sẻ với chúng tôi những thú vị riêng ở bộ phim lịch sử này để tương lai Việt Nam có nhiều tác phẩm điện ảnh về đề tài này hay hơn, hấp dẫn hơn” - Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, phát biểu tại buổi ra mắt phim tại TP.HCM vào chiều qua 10.11.2010. |
Phan Cao Tùng